Nhiều hệ lụy từ các dự án ngưng thi công, tồn kho
Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), tại Văn bản 3213/SXD-PTN&TTBĐS ngày 16/04 của Sở Xây dựng báo cáo "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2023 Tp.HCM chỉ có 138 dự án nhà ở thương mại được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư".
Nhưng trên thực tế chỉ có 52 dự án đang triển khai thực hiện có quy mô sử dụng đất là 3.425.817,5 m2 (342,58ha) với 41.637 căn nhà gồm 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng.
Bên cạnh đó, lại có đến 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công (dự án tồn kho) bao gồm 30 dự án đã ngưng thi công có quy mô sử dụng đất lên đến 2.103.082,4m2 (210,30ha) với 21.676 căn nhà gồm 18.826 căn hộ và 2.850 nhà thấp tầng.
Có đến 56 dự án chưa thi công có quy mô sử dụng đất là 7.540.800,4 m2 (754,08 ha) với 32.375 căn nhà gồm 28.160 căn hộ và 4.215 nhà thấp tầng. Trong số 56 dự án chưa thi công, trong đó có dự án vẫn còn đang giải phóng mặt bằng chưa xong là Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu Trung tâm dân cư Tân Tạo - Khu A (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) có quy mô diện tích đất rất lớn lên đến 329,96ha.
"Hiệp hội nhận thấy, 86 dự án 'tồn kho' do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do 'vướng mắc pháp lý' mà hiện nay với hệ thống các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian tới. Nhưng, với việc có đến 86 dự án 'tồn kho' trong giai đoạn 2015 - 2023 đã dẫn đến các hệ quả tiêu cực", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ.
Theo HoREA, việc quy mô sử dụng đất của 86 dự án "tồn kho" lên đến 964,38ha dẫn đến tình trạng cực kỳ lãng phí nguồn lực đất đai, bởi lẽ đã vi phạm nguyên tắc "sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả" của Luật Đất đai.
Tổng số nhà ở của 86 dự án "tồn kho" lên đến 54.051 căn gồm 46.986 căn hộ và 7.065 nhà thấp tầng làm tăng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở và tình trạng mất cân đối sản phẩm nhà ở, dẫn đến tình trạng "lệch pha" về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nhà ở bình dân.
Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá nhà tăng liên tục trong nhiều năm qua vượt quá sức mua của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội.
Với tổng số 86 dự án "tồn kho" dẫn đến hệ quả là có đến 86 chủ đầu tư rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan", bị mất cơ hội kinh doanh, bị "chôn vốn" mà nguồn lực của doanh nghiệp cũng là nguồn lực của nền kinh tế, của xã hội.
Hiệp hội nhận thấy, số lượng 138 dự án trong giai đoạn 2015 - 2023 thấp hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2012. Khoảng năm 1990 - 2012, toàn Tp.HCM có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại.
Sở Xây dựng và Hiệp hội đã tiến hành khảo sát để đánh giá thực trạng triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Tp.HCM để thống kê số lượng, giá trị hàng tồn kho bất động sản và là cơ sở thực tiễn (cùng với thành phố Hà Nội) để Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng và một số cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và phục hồi trở lại.
Kể từ ngày 01/07/2015 Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến ngày 31/12/2020 (ngày 01/01/2021 Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực) theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014, doanh nghiệp bất động sản chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất ở thì mới được thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Nhưng, trước ngày 01/07/2015 thì doanh nghiệp bất động sản được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (không bắt buộc phải là đất ở) phù hợp quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẩn trương vào cuộc tháo gỡ khó khăn để tái khởi động lại các dự án "tồn kho" này.
Nhiều dự án vẫn chưa thể "về đích"
Nhiều năm qua, thị trường bất động sản tại Tp.HCM phát triển "nóng" thu hút nhiều doanh nghiệp triển khai, giới thiệu hàng loạt các dự án ra thị trường. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm bất động sản chưa hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp không thể đóng tiền sử dụng đất.
Nguồn tài chính bị ảnh hưởng đã khiến cho nhiều dự án bị ngưng thi công, rơi vào cảnh chậm tiến độ, nằm "đắp chiếu" dở dang. Các dự án này gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn tài nguyên đất.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, dự án Lancaster Lincoln (số 428 – 430 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4) của Công ty TNHH Trung Thủy Lancaster, thành viên của Tập đoàn Trung Thủy (TTG) ra mắt thị trường vào tháng 8/2017.
Dự án được quảng cáo xây dựng trên khu đất hơn 8.400 m2, với 994 căn hộ và officetel. Sau khi chào bán, dự án Lancaster Lincoln được khởi công, nhưng sau khi xây dựng được phần hầm thì bị ngưng do chưa hoàn thiện các thủ pháp lý.
Tại khu vực Tp.Thủ Đức (Tp.HCM), dự án The Place Residence, Mai Chí Thọ, xây dựng trên khu đất rộng 2,45ha, mật độ xây dựng 28%, của Tập đoàn Novaland.
Dự án được chủ đầu tư chào ra thị trường từ thời điểm 2017 - 2018, nhiều khách hàng cũng đã xuống cọc mua căn hộ tại đây. Tuy nhiên, sau khi thực hiện công đoạn ép cọc thử tải thì toàn bộ khu vực trên ngưng thi công đến nay. Nhiều khách hàng không thể chờ đợi được việc kéo dài "nằm chờ" của dự án nên buộc phải thực hiện thanh lý.
Cũng trên địa bàn Tp.Thủ Đức dự án căn hộ chung cư có tên thương mại Victoria Village, đường Đồng Văn Cống (phường Thạnh Mỹ Lợi, Tp.Thủ Đức) nhiều năm qua vẫn chưa đi vào hoàn thiện bàn giao cho cư dân.
Đây là dự án nằm trong khu tổ hợp dịch vụ gồm biệt thự, nhà phố, căn hộ cao cấp. Cũng được đưa ra thị trường vào năm 2018, xây dựng hoàn thiện phần thô nhưng đến nay hiện "ngưng" thi công. Dự án trải qua hơn 6 năm nhưng vẫn chưa hẹn ngày "về đích".
Hay vào cuối năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation) đã tung ra thị trường dự án Rome By Diamond Lotus (tại góc đường Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, phường An Phú, Tp.Thủ Đức).
Dù chưa triển khai xây dựng, nhưng dự án Rome By Diamond Lotus được Phúc Khang Corporation giới thiệu ra thị trường, với tổng diện tích 0,91ha trong quy mô toàn khu lên đến 1,6ha.
Tuy nhiên, sau gần 6 năm tung ra thị trường, dự án nhiều lần đưa máy móc vào triển khai, quây tôn thay băng rôn tạo giao diện mới, nhưng đến nay Rome Diamond Lotus vẫn chưa thể hoạt động xây dựng.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Công ty CP Liên minh khu Tây cho rằng: "Nhiều năm qua, thị trường bất động sản tại khu vực phía Nam nói chung và tại Tp.HCM nói riêng gặp nhiều khó khăn trong công tác pháp lý và vốn. Chính vì vậy, nhiều dự án dù đã được giới thiệu từ những năm trước nhưng đã 'bất động', vì ngay cả chủ đầu tư cũng gặp hàng loạt khó khăn, phải chờ cơ chế gỡ vướng hoặc nguồn vốn từ ngân hàng".
"Những khó khăn đó vô tình đẩy dự án rơi vào bế tắc, nhiều sản phẩm không thể hoàn thiện, kịp giao cho người dân như đúng với cam kết. Thời điểm hiện tại, người dân, khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm bất động sản nên lựa chọn những chủ đầu tư có đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định của nhà nước, để tránh rủi cho cho bản thân, cũng như bảo vệ sử dụng tốt dòng tiền của mình", ông Hùng cho hay.