Theo thống kê của MobiFone, nhà mạng Việt “thất thu” xấp xỉ 1.000 tỷ đồng mỗi năm do ảnh hưởng từ các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí (OTT). Vì vậy, MobiFone đưa ra đề xuất chặn - trong khi chưa có chính sách quản lý thì tạm thời có thể chặn các dịch vụ OTT. Còn ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT lại đưa ra một thống kê khác: mỗi năm dịch vụ nhắn tin miễn phí đã làm “thiệt hại” khoảng 9-10% doanh thu của các mạng di động. Viettel Telecom thì nhận định rằng, do xu hướng các dịch vụ OTT như gọi điện thoại, nhắn tin di động miễn phí qua Internet tăng rất nhanh nên Viettel bị giảm doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Nếu chặn dịch vụ OTT, hàng chục triệu người dùng di động Việt Nam bị thiệt hại đầu tiên.
Trên thực tế, các nhà mạng chỉ lên tiếng về việc suy giảm doanh thu, nhưng cần nhìn khía cạnh khác là lợi ích mà người dùng được hưởng do công nghệ mới đem lại. Kể từ khi có các ứng dụng nhắn tin miễn phí, hàng triệu người dùng được hưởng các tiện ích tốt hơn nhiều dịch vụ nhắn tin truyền thống; họ được nhắn cả thoại, hình ảnh, vẽ hình…. mà không mất tiền. Hàng nghìn tỷ đồng mà nhà mạng ước tính “bị mất” chính là những khoản mà người tiêu dùng được lợi.
Trong khi đó, những công ty cung cấp dịch vụ OTT đang ở giai đoạn đầu tư ban đầu, phải bỏ ra những khoản đầu tư rất lớn và chưa hề thu được một khoản tiền nào (trừ Whatsapp thu 1 USD cho phí tải ứng dụng).
Lãnh đạo cấp cao của một mạng di động trong nước thừa nhận, OTT là một sự thay đổi về công nghệ và làm ảnh hưởng đến doanh thu của dịch vụ viễn thông truyền thống. Tuy nhiên, nhà mạng ứng xử thế nào với dịch vụ này là một bài toán khó vì rõ ràng nó là một làn sóng mới, đem lại lợi ích lớn cho hàng chục triệu người dùng Việt Nam.
Trong cuộc hội thảo về dịch vụ OTT mới được tổ chức tại Hà Nội, đa phần các đại biểu tham dự trong đó có đại diện của Cục Viễn thông – Bộ TT&TT đều khẳng định, ứng dụng nhắn tin miễn phí nói riêng và các dịch vụ OTT nói chung là xu hướng của cả thế giới và không thể đi ngược lại xu hướng đó.
Một chuyên gia viễn thông đã cho rằng nếu chặn dịch vụ OTT giống như phong trào đập bỏ những chiếc máy hơi nước vào những năm 1811-1812 của công nhân Anh trong khuôn khổ cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trong lịch sử loài người. Còn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đề xuất này tương tự như việc cấm dùng email để bảo vệ doanh thu của ngành bưu chính. “Song ai cũng có thể thấy rõ người phải gánh chịu hậu quả là ai nếu những đề xuất này trở thành hiện thực”, ông này bình luận.
Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ của các nhà mạng, nếu không có đủ doanh thu để duy trì và phát triển hạ tầng thì lúc đó cũng chẳng thể nào tồn tại các doanh nghiệp OTT bởi các doanh nghiệp này không có hạ tầng của nhà mạng để triển khai cung cấp dịch vụ. Rõ ràng đây đang là bài toán khó đặt ra cho Bộ TT&TT trong việc đưa ra các chính sách quản lý dịch vụ OTT.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, OTT là xu hướng và nó bắt buộc các mạng di động phải chuyển đổi từ kinh doanh, khai thác dịch vụ viễn thông truyền thống sang mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng mới.
Theo ICTNews