Hàng Tết dồi dào, chỉ chờ người mua

Hàng Tết dồi dào, chỉ chờ người mua

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 7, 20/01/2024 06:00

Tết Nguyên đán đang cận kề nhưng sức mua hiện tại tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ chưa tăng mạnh. Tại các chợ, hàng Tết khá ế ẩm so với cùng kỳ các năm trước.

Chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết, chị Thanh Hương (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, hơn nửa năm nay thu nhập của chồng chị sụt giảm. Hai năm trước, khoản tiền chi tiêu mà anh đưa cho chị là 13 triệu đồng/tháng thì 6 tháng trở lại đây là 8 triệu đồng/mỗi tháng; để lo các khoản ăn uống, sinh hoạt trong gia đình 4 người. Sau mỗi tháng cân đối, cùng với phần lương của chị thêm vào, nhà chị gần như “bằng âm”.

“Để chuẩn bị cho mấy ngày tết, chúng tôi đã phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu”, chị Hương than thở.

Kinh tế - Hàng Tết dồi dào, chỉ chờ người mua

Kinh tế khó khăn khiến nhiều người phải "thắt lưng buộc bụng". Ảnh minh họa: VGP/Minh Trang

Còn theo chị Nguyễn Thu Hường, công nhân một công ty may thì từ mức lương trung bình gần 9 triệu đồng/tháng, hiện chỉ còn lĩnh hơn 6 triệu đồng. Vì vậy, chị Hường phải “thắt lưng buộc bụng” trong việc chi tiêu mua sắm.

Khảo sát của báo Công an Nhân dân tại một số chợ truyền thống như chợ Xốm, Hà Đông, Nghĩa Tân, Trung Văn và chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cho thấy, hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết như măng khô, miến, nấm, bóng bì, thực phẩm chế biến, các đồ đặc sản cho tới các mặt hàng mã đều dồi dào, giá cả ổn định như thời điểm trong năm. Dù vậy, hàng Tết tại chợ khá ế ẩm so với cùng kỳ các năm trước.

Chị Nguyễn Thu (Tây Hồ) - đi mua hàng ở chợ Long Biên - cho biết, Tết Nguyên Đán đang cận kề nhưng thị trường vẫn chưa có không khí Tết. Sức mua chậm, “ôm” hàng thì dễ rủi ro, vì người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, nên người bán hàng cũng cần phải tính toán.

Bà Thuỷ Cường, tiểu thương chợ Long Biên cho biết, như mọi năm tầm thời gian này khách hàng lấy sỉ mua hàng dự trữ bán Tết khá đông và số lượng lớn, nhưng năm nay mặc dù giá bán vẫn giữ ổn định, nhưng khách đến mua thưa thớt hơn. Lượng hàng bán cũng không được nhiều như trước. Đa phần khách hàng cũng cân nhắc việc lấy hàng nhiều khi sức mua chậm.

Tương tự, bà Nguyễn Thanh (Hà Đông) cho biết, hàng nông sản giờ khá phong phú, giá cả hàng hoá không có biến động, giữ ổn định như trong năm. Ngay cả những mặt hàng truyền thống nhà nào cũng cần trong dịp Tết nhưng tới nay người tiêu dùng chưa mua nhiều. Hy vọng vào gần rằm tháng Chạp sức mua sẽ tăng lên.

Nhìn nhận về sức mua hàng Tết năm 2024, chị Nguyễn Ngọc Yến (trú tại Hai Bà Trưng) chuyên bán đồ thực phẩm Tết cho biết, tầm này mọi năm lượng đơn hàng Tết rất lớn, năm nay dù may mắn là khách hàng mua sỉ của chị vẫn ổn định nhưng lượng hàng có rút hơn. Đến nay chị vẫn chưa có đơn hàng lớn. Ví dụ như mọi năm có đơn mấy chục kg bắp bò, mứt dừa, trị giá trên 100 triệu đồng, nhưng năm nay khách chỉ hỏi giá chứ không đặt hàng. Họ cũng trong tình trạng “nghe ngóng” thị trường, sức mua năm nay dự báo giảm hơn.

“Nguyên liệu không giảm, cùi dừa lên giá từng ngày, bắp bò cũng vậy nhưng giá bán không tăng, lãi thấp. Những mặt hàng phục vụ Tết, có thời hạn sử dụng ngắn thì không ai dám “ôm” hàng. Và đều chấp nhận đến gần Tết giá có thể tăng, và bán giá đuổi theo giá”, chị Yến cho hay. Theo chị Yến, năm nay một số mặt hàng bán chạy như thịt lợn khô, trâu khô, bò khô, gà khô lá chanh và những sản phẩm có hạn sử dụng lâu.

Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Hoàng Long, quản lý Bộ phận Tư vấn chuỗi bán lẻ Nielsen Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp vẫn sẽ chật vật do khó khăn chung của kinh tế. Thị trường Tết nhiều khả năng sẽ trầm lắng hơn mọi năm. Cùng với thu nhập sụt giảm, nhiều người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng và dần thắt chặt chi tiêu với nhiều mặt hàng quen thuộc.

Có thể nói tiết kiệm là cách nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài thì tiết kiệm sẽ không kích thích sản xuất, không tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó lại tác động đến đời sống.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng tiêu dùng trong nước có 70% là chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình. “Nhưng tiêu dùng và sức mua của người dân phụ thuộc vào triển vọng kinh tế. Kinh tế khó khăn thì người dân sẽ tiết giảm chi tiêu", ông Lâm nói.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn nuôi hy vọng càng gần tới Tết thì sức mua sẽ tăng lên. Nhất là khi người lao động được nhận tiền thưởng Tết cũng như được tạm ứng lương trước một tháng để ăn Tết.

Nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu dịp Tết

Tại một số hệ thống siêu thị như BRG Mart, Hapromart, Haprofood; Go!BigC, Co.opmart/Co.opXtra; WinMart và cửa hàng WinMart+/WIN, hàng hoá phục vụ Tết đã “tập kết” tại các điểm bán lẻ, sẵn sàng phục vụ người mua.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho hay, để đáp ứng nhu cầu mua sắm đủ đầy, tiết kiệm, hiệu quả dịp cuối năm của người dân, siêu thị BRGMart đã phối hợp với các nhà cung cấp, dự trữ hàng hóa Tết, sản lượng hàng hoá tăng gấp 3 lần các tháng trong năm. 
Hiện, lượng hàng hóa Tết tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã về đầy kho, nhất là các sản phẩm nông sản chất lượng cao, đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Tp.Hà Nội. Dự kiến, hàng bình ổn giá chiếm hơn 30% trong tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết của đơn vị.

Tại các siêu thị đều bố trí khu vực trưng bày giỏ quà Tết, bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau để người tiêu dùng dễ lựa chọn. Về cơ cấu sản phẩm, số lượng hàng Việt Nam trên quầy kệ chiếm 90%, trong đó hàng nông sản chiếm hơn 95%. Theo đó, nhiều mẫu giỏ quà Tết từ cao cấp đến bình dân với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng/giỏ.


Đại diện hệ thống bán lẻ WinCommerce cho biết, từ đầu tháng 12/2023, siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WIN trên toàn quốc đã đưa hàng hóa phiên bản Tết lên quầy kệ với giá ưu đãi, đơn cử là đồ khô, bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát. Chương trình khuyến mại “Khai tiệc tân niên - Vuông tròn vị Tết” diễn ra từ ngày 28/12/2023 - 10/1/2024, mang tới ưu đãi lên đến 30% cho người tiêu dùng khi mua sắm những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, hàng thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống và quà tặng dịp Tết.


Theo đại diện của hệ thống bán lẻ Central Retail, hiện tại, BigC đang giảm 50% cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc sắc đẹp, đồ dùng gia đình, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, gia vị...


Ghi nhận cho thấy, tại các siêu thị, hàng hóa Tết mang sắc màu vàng, đỏ là chủ đạo được phủ kín các kệ hàng. Nhiều sản phẩm được bán theo combo hoặc kèm khuyến mại, quà tặng để thu hút khách hàng. Hiện, sức mua tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ bắt đầu tăng, đặc biệt vào dịp cuối tuần.


Theo Tổng cục Thống kê, dịp lễ, Tết cuối năm, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.


Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hàng hóa dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá phong phú, giá cả bình ổn. Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết cũng như thực hiện đồng bộ và hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.