Về pháp lý, theo Thông tư 27/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định hãng bay phải có nghĩa vụ thông báo cho hành khách khi chuyến bay bị chậm 15 phút trở lên.
Đồng thời, phải phục vụ ăn uống cho hành khách trong thời gian chờ đợi tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến. Cụ thể, nếu chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống, chậm từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn.
Trong trường hợp thời gian chậm trễ từ 6 giờ trở lên đối với các chuyến bay từ 7h đến trước 22h và từ 22h hôm trước đến trước 7h sáng hôm sau thì phải bố trí nơi nghỉ phù hợp cho hành khách.
Bên cạnh đó, Thông tư 14/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định hành khách có chuyến bay bị chậm kéo dài muộn hơn 4 giờ so với thời gian dự kiến cất cánh ghi trong lịch bay hoặc bị hủy sẽ được hãng hàng không bồi thường ứng trước không hoàn lại.
Mức bồi thường trong trường hợp chậm chuyến kéo dài, hủy đối với đường bay trong nước là từ 200.000 đồng/người/đường bay dưới 1.000 km và 400.000 đồng/người/đường bay từ 1.000 km. Đối với đường bay quốc tế, mức bồi thường từ 25 USD/người/đường bay dưới 1.000 km và 150 USD/người/đường bay trên 5.000 km.
Như vậy, khi hành khách có chuyến bay bị kéo dài muộn hơn 4 giờ cần đến ngay quầy hỗ trợ trực tuyến của hãng bay để được nhân viên hướng dẫn làm thủ tục bồi thường.
Tuy nhiên các hãng hàng không được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường nếu chậm chuyến vì thời tiết hay sự cố kỹ thuật, an ninh...
Bên cạnh đó, trao đổi với báo PLO, chị NTT, đại diện một đại lý bán vé máy bay lưu ý thêm: Tiền bồi thường chỉ được nhận tại sân bay, không nhận tại các đại lý vé máy bay.
Trong trường hợp hãng không thể chi trả tiền bồi thường ngay tại sân bay thì hành khách nên để lại số tài khoản ngân hàng của mình và yêu cầu hãng hàng không viết phiếu yêu cầu bảo lưu, hoàn viết, bồi thường.
Sơn Ca