Tuổi thơ bất hạnh
Quê gốc anh Nguyễn Trường Thanh ở giữa phố cổ phồn hoa đất Hà thành. Bố anh là bộ đội vào đóng quân ở vùng rừng núi huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa). Chàng trai Hà Nội hào hoa, phong nhã đã đem lòng yêu mến cô gái miền sơn cước xứ Thanh. Hai người làm đám cưới và có với nhau được 3 người con trai.
Anh Nguyễn Trường Thanh là đứa bé sinh đôi trong lần sinh nở thứ 2. Vì sống ở miền rừng núi, khó khăn đủ thứ, người dân chủ yếu sống nhờ củ mài, củ sắn hay những ngọn rau má, mẹ anh lại bị hậu sản nên sau khi sinh đôi bà đã qua đời.
Nhớ về những ngày tuổi thơ bất hạnh, giọng anh Nguyễn Trường Thanh chùng xuống, anh bùi ngùi kể: "Sau ngày mẹ tôi mất, thương ba đứa cháu nhỏ mồ côi mẹ, bố bận việc trong quân ngũ, bà nội vào Thanh Hóa đón ba anh em tôi ra Hà Nội sống. Nhà bà nội tôi hồi ấy cũng nghèo lắm, các cô, các chú tôi vẫn còn nhỏ, chưa giúp được gì bà tôi nhiều, hơn nữa ông nội tôi lại ốm nằm liệt giường. Lại thêm 3 đứa cháu còn quá nhỏ, mồ côi mẹ, lại ốm đau luôn, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó hơn.
Do thiếu sữa mẹ và anh em tôi khóc quá nhiều vì nhớ mẹ, nhà lại quá nghèo nên hai anh em (anh Thanh và người anh sinh đôi - PV) đều bị hỏng mắt. Người anh của tôi hiện đôi mắt đã được chữa khỏi, còn tôi thì đã mù hoàn toàn và không thể chữa được".
Cuộc sống khó khăn, bà cháu nương tựa vào nhau. Anh Thanh lớn lên trong tình yêu thương của bà nội và mọi người trong gia đình. Do còn nhỏ, anh chưa ý thức được mình thiệt thòi hơn so với chúng bạn thế nào. Năm tháng trôi đi, đến tuổi đi học anh cũng nhận thấy sự khác biệt giữa bản thân với bạn bè.
"Lên sáu, bảy tuổi, tôi đã lờ mờ thấy được sự khác biệt giữa mình với những đứa trẻ cùng trang lứa. Trong khi đám trẻ cùng nhau chơi vui thì tôi thấy mình chậm chạp và không biết chơi cùng các bạn như thế nào. Từ đó trở đi, tôi càng cảm nhận rõ hơn về sự bất hạnh mà tật nguyền gây ra cho mình".
Bỗng một hôm, anh Thanh rất bất ngờ trước người khách lạ đến nhà hỏi anh có muốn đi học không. Dù chưa hiểu học là gì, nhưng anh đã gật đầu vui mừng đồng ý vì đơn giản được ê, a như chúng bạn trong khu phố. Sau này, anh mới biết vị khách hôm đó chính là một cán bộ của Hội người mù thành phố.
Hàng ngày, người anh dắt đứa em mù đi từ phố Gia Ngư (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến trường dành cho trẻ em khiếm thị ở phố Hàng Phèn, Lạc Trung để học. Anh bắt đầu đi học như bao nhiêu những đứa trẻ khác chỉ có điều học chữ Braille, chữ nổi dành cho người khiếm thị.
Nhớ những ngày đầu học chữ nổi rất khó khăn, có lần anh Thanh chán rồi quẳng tất cả sách vở vào góc nhà và ngồi khóc. Không đầu hàng số phận, nghe tiếng các bạn í ới đi học về và chơi đùa mới nhau mà niềm khát khao được hòa nhập với cuộc sống đã thôi thúc Thanh đến trường.
Khi đã sử dụng thành thạo chữ nổi, cậu bé khiếm thị Nguyễn Trường Thanh bắt đầu học văn hóa qua từng cấp học và lên cấp hai thì tới trường với những bạn sáng mắt. "Đến năm cấp hai, tôi học chung với các bạn sáng mắt. Lúc đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc ghi chép. Bởi vì các bạn viết chữ sáng rất nhanh, trong lớp lại chỉ có mình tôi là người mù, nên tôi phải làm sao để theo cho kịp.
Lúc này tôi cũng được biết, chữ Braille có cách viết tắt rất thuận lợi. Thế là, tôi xin học và các thầy cô rất hoan nghênh và nhiệt tình hướng dẫn. Do thấy sự cần thiết phải học để phục vụ ngay lúc bấy giờ, nên tôi đã cố gắng học rất nhanh. Chẳng bao lâu, tôi đã học thuộc hết và áp dụng ngay tại lớp học nên việc học hòa nhập của tôi đã bớt khó khăn đi rất nhiều", thầy giáo Nguyễn Trường Thanh bùi ngùi nhớ lại.
Gia đình hạnh phúc của người thấy giáo khiếm thị Nguyễn Trường Thanh
Thầy giáo hết lòng vì người đồng tật
Tốt nghiệp trung học cơ sở và ra trường năm mười bảy tuổi, với bao ước mơ, hoài bão xen lẫn những lo lắng: "Không biết mình sẽ làm gì và sống như thế nào. Có nên học tiếp hay không?". Để không phụ thuộc và là gánh nặng của gia đình, anh quyết định dừng việc học tập để xin đi làm. Anh xin vào làm tại một cơ sở sản xuất tăm tre của người mù tại Hà Nội. Sau đó, anh được Hội người mù Hà Nội cho đi học khóa đào tạo giáo viên dạy chữ Braille ngắn hạn và cử anh đi dạy xóa nạn mù chữ cho những người cùng cảnh ngộ ở một số địa phương trong nội, ngoại thành Hà Nội.
Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Trường Thanh chia sẻ: "Những ngày đầu dạy chữ Braille cho người mù, tôi không khỏi bỡ ngỡ; bởi đối tượng trong một lớp học có sự chênh lệch rất lớn về trình độ, tuổi tác, kinh nghiệm cuộc sống,.. Nhưng với lòng hăng say lao động, sự nhiệt tình của tuổi trẻ, tình yêu thương người đồng tật, nên tôi đã cố gắng giảng giải, động viên họ học tập. Mỗi khóa học qua đi, tôi lại rút ra được nhiều kinh nghiệm, thu được những kết quả tốt hơn. Tôi thấy mình trưởng thành lên nhiều qua từng năm, từng khóa học".
Nhận thấy bản thân mình một thầy giáo cần phải học cao hơn nữa, anh đã nộp đơn thi lên cấp 3 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vừa học cấp ba, anh vừa tham gia giảng dạy chữ nổi cho người khiếm thị và tham gia các lớp đào tạo giáo viên dạy chữ Braille cho người mù do Trung ương hội người mù Việt Nam tổ chức. Năm 21 tuổi, anh trúng tuyển làm giáo viên tại Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người mù thuộc Hội người mù Việt Nam đến nay.
Những lúc buồn âm nhạc là người bạn không thể thiếu với người thầy khiếm thị Nguyễn Trường Thanh. Nỗi buồn rồi cũng vơi đi, anh bắt đầu làm quen với máy vi tính. Dần dần, nó đã trở thành niềm đam mê của anh lúc nào không hay. Chiếc máy vi tính đã trở thành người bạn, như một phần không thể thiếu trong cuộc sống, giúp anh kết nối với thế giới.
Cũng chính nhờ chiếc máy, mối tình như mơ của anh với một cô gái khiếm thị từ không quen đến yêu nhau lúc nào không hay. Anh bảo đối với những người khiếm thị hình thức đối tác không quan trọng, mà tâm hồn mới thực sự quan trọng. Thế rồi, hai người đến với nhau bằng một đám cưới đơn giản mà hạnh phúc. Nhắc đến gia đình nhỏ bé hạnh phúc của mình anh Thanh chia sẻ: "Một lần lên mạng, dò tìm những người có vần Th. giống mình họ sống thế nào. Tôi đã gặp được người bạn tên Thắm cũng khiếm thị quê ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Qua trò chuyện, tôi mới biết nhà Thắm cũng nghèo lắm. Thắm bị hỏng mắt là do lúc mẹ mang thai bị cúm. Chúng tôi đã nên vợ nên chồng, cùng làm việc tại trung tâm này và đã có một đứa con trai năm nay lên 4 kháu khỉnh, đáng yêu".
Có một gia đình hạnh phúc, nhưng chuyện "cơm áo gạo tiền" cũng là một thách thức đối với cặp vợ chồng khiếm thị. Bao nhiêu nhu cầu đơn giản của cuộc sống đều phải tằn tiện, gói gọn trong khoản lương ít ỏi của người thầy giáo khiếm thị khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng, từ chuyện thuê nhà, con cái học hành, đến cái ăn cái mặc hàng ngày của cả nhà. Vì thế, sau mỗi ngày làm việc ở trung tâm xong, buổi tối anh Thanh lại tất tả thuê xe ôm chở tới dạy tin học cho những người khiếm thị ở những trung tâm khác.
Cuộc sống tuy vất vả, nhưng bản thân anh vui vì giúp được những người đồng tật như mình biết chữ và kiến thức tin học cơ bản để hòa nhập với cộng đồng thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Đặc biệt, sau một ngày lao động vất vả, anh được về với gia đình nghe tiếng gọi bi bô "bố ơi" bao nhọc nhằn tan biến hết.
"Những người mù đang còn trong độ tuổi lao động, học tập, nhất thiết phải được học chữ Braille. Bởi chữ Braille chính là phương tiện, điều kiện hữu ích nhất giúp người mù học tập, lao động và giúp người mù trở thành những người thực sự có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tôi nhắc nhở bản thân mình và học viên khiếm thị, luôn trân trọng từng giây, từng phút của quá khứ để khi sống hiện tại thì mình sẽ cảm nhận rõ nét hơn những niềm vui, niềm hạnh phúc bên người thân và bạn bè” , thầy giáo Nguyễn Trường Thanh nói. |
Thiên Vũ