> Hành trình Tây du Phật quốc của vị Tiểu Đường Tăng Việt Nam
> Thiền sư Việt Nam đầu tiên khuất phục Hymalaya thỉnh Xá lợi
Chinh phục "đường lên trời"
Cũng như lần đầu chinh phục Hymalaya đến Nêpan, thiền sư Minh Tịnh vẫn gây bất ngờ khi hạ quyết tâm lên đường đến Tây Tạng tu tập. Đây được đánh giá là một hành trình nhiều cam go bởi khí hậu trên đường đến Tây Tạng vô cùng khắc nghiệt. Tuy nhiên, khó khă lớn nhất mà thiền sư ái ngại là việc phải học ngôn ngữ mới: Tếng Tây Tạng. Sư cô Diệu Hạnh nhấn mạnh: "Cho tới giờ, Sư tổ vẫn khiến hậu thế phải khâm phục khả năng tự học ngoại ngữ một cách xuất chúng của mình. Mỗi khi hành hương đến một quốc gia mới, một miền đất mới, người đều tự học ngôn ngữ của quốc gia đó trên đường đi thông qua dân địa phương". Thông tin trên cũng được chính thiền sư ghi lại trong hồi ký Tây du Phật quốc của mình.
Ảnh chụp thiền sư Minh Tịnh trên đất Tây Tạng (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp).
Hành trình chinh phục "đường lên trời" của vị thiền sư bắt đầu từ 27/2/1936. Đến ngày 30/2, đoàn có mặt tại Phariyong. Sự khắc nghiệt của khí hậu trên dãy Hymalaya khiến tóc vị thiền sư bạc trắng hơn tuyết bản xứ. Ông viết: "Xứ lạnh, vật chết tuy quăng ném cùng đường, xương cốt, da, đầy nẻo song sự hôi thối nghe ít hơn như thây vật chết ở nước ta. Thời tiết lạnh đến độ tối ngủ mền đắp mấy cái cũng không đủ. Buổi sáng, thấy núi xanh um nhưng chừng 10 - 11h thì tuyết đã lại phủ trắng đỉnh. Khi đi, ngoài mặc áo lông thú nhiều lớp, phải đội mũ Lạt - ma che kín tai, phải dùng khăn buộc kín mũi, ...". Đến khi cuộc hành trình gần chạm mốc đầu tiên là Bhutan, đôi chân trần của vị thiền sư già gần như rã rời, không còn cảm giác.
Những Lạt - ma (người tu hành - PV) đi cùng cố ý tìm cho ông con ngựa nhưng giữa vùng nghèo đói, hoang vắng, họ kiếm khắp làng cũng không có ngựa. Trong bối cảnh ấy, tinh thần kiên cường của con người nhỏ bé, tóc đã bạc đến từ một quốc gia đang chịu cảnh đô hộ lại khiến mọi người kính trọng. Thiền sư trấn an: "Bất quá đường cũng như đường đi Nêpan. Bần đạo chân không còn đi thấu 6 ngày đường núi Hymalaya. Thì đây cũng trong dãy Hy - mã, không sao, có ngựa cũng tốt mà không có cũng tốt". Cứ thế, đoàn người rướn thân đi trong gió tuyết chực chờ quật ngã. Vị thiền sư còm cõi lạnh run trong gió rét, thở thều thào như hụt hơi vẫn lầm rầm niệm Phật cố bước. Khi gặp mưa tuyết, cả nhóm chỉ độc mỗi một cây dù nên phải thay phiên che.
Sau hơn 4 tháng rong ruổi qua nhiều địa phương, nhiều vùng miền khắp dãy Hymalaya, hành trình gian khổ cũng tìm đến được Lhassa, Thủ đô Tây Tạng vào ngày 28/6/1936. Thiền sư miêu tả: "Quốc tự của Quốc vương Lạt - ma cất trên đỉnh núi, xem ra không biết mấy nóc, khảm vàng rực rỡ, cao năm, sáu tầng lầu. Đứng từ xa cách 3- 4km đã thấy phía hậu Đền". Cả đoàn thẳng tiến vào thành rồi nghỉ trọ lại tại một nhà thuộc tòa thành của quan Thừa tướng, quyết định đến sáng hôm sau sẽ yết kiến vị quan này.
Những kỷ niệm tự hào nơi xứ người
Thêm một lần đến đất Phật, những đền chùa nguy nga, tráng lệ rực rỡ đánh dấu sự lớn mạnh của Phật giáo xứ này khiến thiền sư ngỡ ngàng. Đi đến đâu, người cũng thấy dân chúng Tây Tạng cung kính với môn đồ Phật giáo. Khắp xứ vang vọng tiếng chuông chùa. Tuy nhiên, thiền sư Minh Tịnh cũng vấp phải những điều khác lạ so với văn hóa ở Việt Nam. Thừa tướng Tây Tạng quyết định tiếp vị thiền sư lạ mà ông được biết từ nơi rất xa vượt ngàn trùng đến vùng Tây Tạng buốt giá này. Ở xứ người, việc yết kiến quan lớn của Vương quốc Tây Tạng đều do những người cùng đi hiểu biết văn hóa, tập quán nước này chuẩn bị từ lễ vật đến cách ứng xử.
Sau khi những người trong đoàn dâng lễ vật gồm: Hai bao gạo, vải Bhutan, các tượng hình Bodhgaya, nước sông Hằng, trái ngâu hái tại tháp thiêng Boudhanath, lá Bồ đề, đất nền Nalanda..., ông được Thừa tướng hỏi thăm về hành trình khó tin của mình. Thông qua thông dịch, vị quan này muốn biết vị thiền sư tóc bạc, da đã nhăn, người gầy ốm kia đến từ nước nào, bằng cách nào có thể vượt qua dãy Hymalaya tuyết phủ để đến được Tây Tạng. Và câu trả lời của thiền sư đưa một nguyên thủ quốc gia đi hết bất ngờ này đến ngỡ ngàng khác.
Một trong những tu viện của Tây Tạng (Ảnh tư liệu).
Khi thiền sư Minh Tịnh cho biết ông bắt đầu từ An Nam (Việt Nam) vượt biển, trải qua một chặng đường dài từ Ấn Độ, qua Nêpan, vượt Hymalaya bằng chính đôi chân trần của mình đến Tây Tạng, vị Quốc vương nước này đã không tin. Quốc vương Tây Tạng dò tìm vị trí An Nam trên bản đồ thế giới khi được vị khách lạ nói về quê hương của mình. Nếu không có những đồng đạo đều là những vị Lạt - ma đắc đạo chứng thực, có lẽ ông đã bị trục xuất vì tội "nói càn". Nghe chính các vị Lạt - ma kể lại hành trình 10 ngày đi tàu để đến Madras, 3 ngày 3 đêm ngồi xe lửa từ Madras để đến Berares rồi lại vượt Hymalaya đến Nêpan và đi ròng rã 4 tháng trời trên dãy Hi-mã-lạp-sơn bằng chân trần để vào Tây Tạng của thiền sư, vị Quốc vương đã ví công đức ông như Đường Huyền Trang thời Đường.
Thoát chết trong gang tấc
Ghi nhận trong hồi ký của mình, điều khiến thiền sư vinh hạnh và cảm thấy may mắn trong lần gặp ấy không phải là giáp mặt ai mà là thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Những trang nhật ký hành trình của thiền sư cho biết: Khi tiến vào Tây Tạng, thiền sư người Việt ăn vận theo những vị Lạt - ma Tây Tạng. Thế nhưng khi vào yết kiến Quốc vương, ông mặc áo màu vàng đặc trưng của các tín đồ nhà Phật Việt Nam. Việc mặc pháp phục như trên khiến ông bị vô số dân chúng Tây Tạng ngỡ ngàng, khiếp hãi. Hơn thế, các vị Lạt - ma trong triều cũng tỏ ý lo ngại cho sự an nguy của vị khách lạ. Ông không ngờ cách ăn mặc này phạm vào điều cấm kỵ tuyệt đối của văn hóa nước này.
Ông viết: "... nếu mặc đồ màu vàng thì bị bắt và đánh đuổi ra khỏi nước vì xứ Lhassa trọng sắc vàng lắm. Sắc Phật chỉ đặng làm y, làm áo, làm mão, còn ai dùng làm chăn, làm quần, làm vớ, làm giày thì bị phép nước bắt đánh đòn, lột đồ ấy rồi đuổi ra khỏi nước. Nhân dân ném đá, mắng chửi". Lý do duy nhất để vị thiền sư nước Việt an toàn, được Quốc vương coi trọng chỉ có thể là hành trình vĩ đại của người, tình yêu quê hương, văn hóa Phật giáo nước nhà. Quốc vương cho biết: Thông qua quan Thừa tướng, ông biết về hành trình có một không hai và khát khao giữ vững, chấn hưng nền Phật giáo nước nhà dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào của vị thiền sư đáng trọng. Những điều đó khiến Quốc vương không chỉ đặc cách cho khách lạ mà còn quyết định ban Pháp danh cho người.
Ngày 4/10/1936, thiền sư chính thức được Quốc vương Tây Tạng ban Pháp danh: Thubten Osall Lama, việc hy hữu và là vinh dự hiếm có trong suốt cuộc đời tu hành. Lý giải ý nghĩa của Pháp danh trên, thiền sư Minh Tịnh viết: "Thubten là tên của Đức Tả - lê Lama, Thái thượng hoàng đã băng hà (cha của Quốc vương Tây Tạng lúc bấy giờ). Osall là ánh sáng mặt trời, tên của đương kim Quốc vương". Sau khi tiếp nhận Pháp danh, làm lễ xưng Pháp danh nơi các điện, thiền sư bắt đầu cuộc hành hương đến những địa điểm thiêng liêng bậc nhất của đất Phật và chờ ngày mang vinh dự về cố hương.
Bí mật đằng sau cuộc thi để ban pháp danh Sư cô Diệu Hạnh, chùa Tây Tạng cho biết: "Đây là một vinh dự lớn lao của Sư ông. Các sư bác, trong chùa kể về việc Sư ông phải ứng thí và vượt qua cuộc thi tuyển gắt gao do Quốc vương Tây Tạng quy định. Được biết, trong cuộc ứng thí đó chỉ có hai người, một người Tây Tạng người còn lại chính là Sư ông, người duy nhất đến từ Việt Nam. Khi thi, người ta lấy một đoạn dây chỉ bện màu đỏ thắt quanh cổ Sư ông rồi xiết lại. Trước hành động đó, người ta thấy ngài vẫn bình thản nhìn. Theo đó, ngài vượt qua được cuộc khảo thí. Tuy nhiên, nguyên nhân, ý nghĩa của hành động trong cuộc khảo thí không được Sư ông tiết lộ". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài
Kỳ cuối: Chùa Tây Tạng - quả ngọt sau ngày trở về