“Tôi có một vé đi tuổi thơ" là một phiên chợ dành cho giới trẻ - thế hệ @ thời nay. Phiên chợ này được tổ chức với mục đích để người trẻ hiểu rõ hơn những gì lớp cha anh đã trải qua ở thời bao cấp với nhiều thiếu thốn, nhưng cũng đầy kỷ niệm.
Mua hàng như thời... bao cấp
Hội chợ "Tôi có một vé về tuổi thơ" được tổ chức tại Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội vừa qua đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ đến tham quan và mua đồ. Với chủ đề tái hiện ký ức tuổi thơ, hội chợ thứ 3 trong chuỗi các hoạt động của chương trình iHanoiMarket đã khiến nhiều người như được sống trong không gian xưa.
Bước vào không gian của "phiên chợ" đặc biệt này, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy cho mình một sản phẩm mà chỉ có thể quay ngược thời gian mới tìm được. Tại phiên chợ, giới trẻ được thỏa thích đổi đồ cũ (Montainai), đổi giấy lấy hoa, âm nhạc đường phố, tiệm tạp hóa phù thủy, chiếu phim... và đặc biệt là Dạ hội âm nhạc. Lạc vào giữa hàng nghìn bạn trẻ, ở đây tôi dễ dàng tìm được sản phẩm gắn với thuở thiếu thời của mình: Bi ve đủ sắc màu, các lọ thuốc C với hình ngộ nghĩnh hay đơn giản chỉ là những bức hình có chụp ảnh trò chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê...
Đặc biệt, trong khuôn khổ của hội chợ còn có triểm lãm ảnh "Ấu thơ trong tôi là..." là một góc không gian đẹp để những người đã từng trải qua tuổi thơ "đáng nhớ" ấy có thể tìm lại được chính mình trong ký ức của người người bạn cùng trang lứa. Đó là những bức ảnh ngộ nghĩnh, ghi lại khoảnh khắc đáng yêu của nhiều bạn trẻ hồi thơ ấu, hay là bức ảnh "khóc nhè" ngày bé mà bố mẹ giữ lại cũng được nhiều bạn đưa ra triển lãm để tìm những cảm xúc về thời thơ bé.
Đặc biệt, phiên chợ tái hiện lại tem phiếu thời bao cấp. Tất cả khách hàng đều phải xếp hàng theo thứ tựå. Tại gian hàng bán đồ lưu niệm từ giấy, Vũ Khánh My - chủ cửa hàng cho biết: "Chúng em chọn cách bán hàng như thời bao cấp để nhiều bạn trẻ biết được thời tem phiếu thế hệå truớc đã sống như thế nào và họ rất thích thú".
Với tên gọi đầy tính nhân văn, từ khi kêu gọi thành lập gian hàng trên mạng xã hội, hội chợ này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bạn trẻ với các ý tưởng táo bạo và kích thích trí tò mò. Điểm chung của tất cả những gian hàng này là đều liên quan đến tuổi thơ và những gì thuộc về kỷ niệm, vì thế đến với hội chợ này, các bạn trẻ không chỉ tìm được những đồ vật, trò chơi tưởng đã bị "biến mất" mà còn được tham gia vào làm "người bán hàng" - một hoạt động thú vị mà nhiều bạn trẻ muốn thử.
Trần Kim Hoa, sinh viên năm thứ 2, đại học Công đoàn cho biết: "Đây không phải là phiên chợ bình thường, mà nó là một không gian "mở" để người trẻ tìm về tuổi thơ. Bọn em gọi vui rằng, đây là phiên chợ "kinh doanh tuổi thơ". Phiên chợ bán những kỷ niệm mà không phải có tiền là mua được".
Trung tâm của phiên chợ là tiệm tạp hóa cổ tích với những món đồ quen thuộc gắn liền với tuổi thơ như những quả bóng bay đủ sắc màu, những con tò he được nặn theo yêu cầu người mua hay viên kẹo "đầu ông sư" mà không phải ai cũng còn nhớ. Gian hàng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ bởi ở đó các bạn được sống lại những ngày thơ ấu với những kỷ niệm ngọt ngào, dễ thương. Vũ Như Lan (E8 - Thanh Xuân Bắc - Hà Nội) tâm sự: "Đến với hội chợ, tôi như sống lại tuổi thơ của 20 năm về trước với những chuyến tàu điện leng keng bờ Hồ và cùng bạn bè "nhâm nhi" chiếc kẹo "đầu ông sư"... Tôi cũng không nghĩ là sẽ gặp được những đồ vật như này tại một xã hội hiện đại này".
Phiên chợ... trong mơ
Bên cạnh việc "mua - bán" tuổi thơ với những món hàng dễ thương phù hợp với túi tiền người trẻ, thì một "bữa tiệc" giản dị âm nhạc đường phố trong khuôn khổ chương trình được diễn ra đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của những người trẻ.
Trần Vũ Hiếu - một "ông chủ" của cửa hàng bán đồ handmade cho biết: "Ngay từ khi biết thông tin có hội chợ tuổi thơ diễn ra, chúng em đã nhanh chân đăng ký chỗ để có thể bán được những món hàng "ngày xưa". Gọi là bán, chứ chúng em để giá rất rẻ, chỉ từ 5.000 đồng là bạn có thể mua được món đồ yêu thích. Để có được những món đồ "chỉ cần nhìn thấy là nhớ ngay, chúng em đã phải đi khắp các trường tiểu học, dò hỏi, vừa hỏi vừa phải trổ tài minh hoạ, miêu tả để tìm đúng những món mà mình cần. Mệt và vất vả nhưng mà rất vui".
Nhiều bạn trẻ bật mí rằng, ngoài những sự kiện chính trong chương trình thì hoạt động đổi đồ cũ (montainai) cũng để lại nhiều ấn tượng. Những khách tham dự hội chợ "Tôi có một vé về tuổi thơ" lần này lại có cơ hội được đổi những món đồ cũ của mình lấy những món đồ ưng ý mà không phải chi trả thêm khoản tiền nào. Tuy là những món đồ cũ nhưng chúng đều có chất lượng tốt, lại rất thời trang. Các món đồ còn lại sau khi kết thúc hội chợ sẽ được Ban tổ chức sử dụng cho chuyến đi từ thiện sắp tới của iHanoiMarket, những món đồ này sẽ tới tận tay những trẻ em nghèo. Hoạt động đổi giấy lấy hoa diễn ra trong chuỗi sự kiện này cũng được nhiều người quan tâm, chương trình này nhằm hướng tới mục tiêu thân thiện với môi trường. Mỗi người tham dự hội chợ chỉ cần mang vài kg giấy cũ tới là có thể đổi lấy ngay một chậu hoa xinh xắn. Sau đó, lượng giấy thu được khi kết thúc hội chợ sẽ được gửi đến những địa chỉ tái sản xuất giấy.
Bác Trần Khánh Hà, 60 tuổi, ngõ 125, Lê Đức Thọ, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Đây đúng là một phiên chợ trong mơ dành cho những người trẻ muốn tìm hiểu về quá khứ của lớp người đi trước. Đến đây, giới trẻ không chỉ được giao lưu với bạn bè mà còn được góp phần nho nhỏ vào giúp cho trẻ em nghèo, mục đích này rất nhân văn và ý nghĩa. Đặc biệt, ban tổ chức còn dành các món hàng ở phiên chợ chuyển cho trẻ em nghèo vùng cao vào trước thời điểm giao thừa năm 2013. Chuyến tàu với tên gọi "Tôi có một vé về tuổi thơ" sẽ làm cho những người cao tuổi như chúng tôi được quay lại với những kỉ niệm trong trẻo nhất, để hướng cho con cháu sống tốt hơn cho tương lai".
Thấy "ngày xưa" để trân trọng hơn những gì mình đã có Ông Đoàn Minh Châu, Giám đốc Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội chia sẻ: "Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ về như một kỷ niệm đẹp để đến khi lớn, chúng ta vẫn có thể "vịn" vào. Ngưỡng vọng về tuổi thơ là hành động một con người văn minh nên có. Phiên chợ "Tôi có một vé về tuổi thơ" là cơ hội cho thanh niên thể hiện mình là một con người văn minh theo cách nhìn đó". Ở xã hội hiện nay, nhiều người trẻ đã không còn được "mục sở thị" những trò chơi dân gian, những món quà thời "bao cấp". Họ chỉ biết làm bạn với máy vi tính, với internet và mạng xã hội. Những hội chợ mang tính xã hội như thế này là một cơ hội tốt cho nhiều bạn trẻ được tận mắt thấy được "ngày xưa" của thế hệ trước để trân trọng hơn những gì mình đang có. Nhiều bạn trẻ cho rằng, lưu giữ một phần ký ức xưa cũng là cách sống hướng tới chân, thiện, mỹ và để sống ý nghĩa hơn. |
Lạc Thành