Hệ sinh thái Phenikaa sau một thập kỷ về tay ông Hồ Xuân Năng

Hệ sinh thái Phenikaa sau một thập kỷ về tay ông Hồ Xuân Năng

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Chủ nhật, 21/07/2024 08:00

Tập đoàn Phenikaa hiện sở hữu hơn 30 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe...

Nhắc đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa), người ta thường nhớ đến ông chủ của một trường đại học ngoài công lập hay vị tỷ phú Năng "Do Thái" (ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa) mà ít ai biết rằng, đằng sau hành trình kinh doanh của doanh nghiệp trên là một thương vụ M&A "độc lạ".

Phi vụ thâu tóm ngược của ông Hồ Xuân Năng

M&A doanh nghiệp không còn là chuyện xa lạ ở Việt Nam, nhưng thương vụ giữa Phenikaa và Vicostone vào năm 2014 lại có nhiều diễn biến thú vị.

Tại Vicostone thời điểm đó, xung đột giữa nhóm cổ đông ngoại và cổ đông nội công ty đã kéo dài được vài năm làm kìm hãm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn lại giai đoạn từ năm 2012-2014, ĐHĐCĐ thường niên của Vicostone liên tiếp bị trì hoãn, hoặc bị phủ quyết nội dung họp do sự phản đối gay gắt của nhóm cổ đông nước ngoài bao gồm các quỹ đầu tư nước ngoài Red River Holding, Beira Limited, Wonderful Kitchen. Vấn đề gây tranh cãi chính là sự phân biệt đối xử giữa cổ đông và ban điều hành doanh nghiệp trong việc kiểm soát rủi ro thông tin.

Hệ sinh thái Phenikaa sau một thập kỷ về tay ông Hồ Xuân Năng- Ảnh 1.

Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phenikaa.

Hệ lụy của xung đột nội bộ là Vicostone từ một doanh nghiệp kinh doanh khấm khá bắt đầu ghi nhận dấu hiệu suy giảm, không trả cổ tức, thậm chí là tuyên bố hủy niêm yết tự nguyện nhằm tái cơ cấu công ty.

Trong thời điểm đó, cái tên Phenikaa bỗng xuất hiện với hợp đồng độc quyền với Breton về công nghệ sản xuất tấm thạch anh. Đáng chú ý, trước đó, Breton và Vicostone đang có mối quan hệ rất tốt. Theo đó, kể từ khi thành lập, Vicostone đã sử dụng công nghệ để chế tạo ốp lát từ bột đá. Công nghệ này do hãng Breton nắm bằng sáng chế độc quyền.

Dễ hiểu rằng, nếu Breton ngừng cung cấp công nghệ thì Vicostone sẽ phải đóng cửa toàn bộ nhà máy vì không có biện pháp thay thế. Do đó, việc hợp tác giữa Phenikaa và Vicostone là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Quay trở lại với tình hình nội bộ tại Vicostone, sau thời gian "đấu đá", tháng 6/2014, 4 cổ đông ngoại của Vicostone là Red River Holding, Beira Limited, Epsom Limited, Lionel Hill Limited đã tiến hành chuyển quyền sở hữu hơn 18 triệu cổ phiếu VCS sang các nhà đầu tư trong nước. Việc các cổ đông ngoại thoái vốn khỏi Vicostone đã tạo điều kiện cho Phenikaa thâu tóm và trở thành công ty mẹ của Vicostone vào tháng 8/1014.

Hệ sinh thái Phenikaa sau một thập kỷ về tay ông Hồ Xuân Năng- Ảnh 2.

Việc các cổ đông ngoại thoái vốn khỏi Vicostone đã tạo điều kiện cho Phenikaa thâu tóm và trở thành công ty mẹ của Vicostone vào tháng 8/1014.

Theo đó, tháng 8/2014, đại hội cổ đông bất thường của Vicostone đã thông việc tái cấu trúc công ty với nội dung quan trọng là chấp thuận Vicostone trở thành công ty con của Tập đoàn Phenikaa. Theo đó Vicostone đã chấp thuận việc Tập đoàn Phenikaa mua lại 58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai.

Đến cuối tháng 9/2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỉ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%.

Đáng chú ý, sau khi Vicostone về tay Phenikaa, theo đề xuất của nhóm cổ đông Phenikaa đồng thời được sự đồng ý của hội đồng quản trị Vicostone, ông Hồ Xuân Năng – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Vicostone lúc bấy giờ – đã mua lại phần vốn góp tại Phenikaa. Tại ngày 31/12/2014, ông Hồ Xuân Năng sở hữu 54 triệu cổ phần, tương đương 90% vốn điều lệ của Phenikaa.

Như vậy, cái kết của thương vụ M&A trên là lãnh đạo công ty bị thâu tóm đi thâu tóm ngược lại công ty thâu tóm.

Hệ sinh thái đa ngành Phenikaa

Ngay sau khi về tay ông Hồ Xuân Năng, Tập đoàn Phenikaa đã ngay lập tức tăng vốn điều lệ lên 900 tỷ đồng vào năm 2015. Tính đến năm 2024, vốn điều lệ của Phenikaa đang ở mức 3.000 tỷ đồng.

Đồng thời, Tập đoàn Phenikaa đã liên tục mở rộng mạng lưới, sở hữu hơn 30 đơn vị thành viên hoạt động trong và ngoài nước trên các lĩnh vực cốt lõi: Công nghiệp, Công nghệ, Giáo dục đào tạo, Chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác.

Theo đó, ông Hồ Xuân Năng đang đứng tên tại loạt doanh nghiệp như: Trường Đại học Phenikaa, Vicostone, CTCP Đầu tư Giáo dục Phenikaa, CTCP Kiểm định và Chứng nhận Phenikaa, CTCP Điện tử Phenikaa, Viện Nghiên cứu & Công nghệ Phenikaa, CTCP Phenikaa-X,..

Hệ sinh thái Phenikaa sau một thập kỷ về tay ông Hồ Xuân Năng- Ảnh 3.

Tập đoàn Phenikaa sở hữu hơn 30 đơn vị thành viên hoạt động các lĩnh vực cốt lõi: Công nghiệp, Công nghệ, Giáo dục đào tạo, Chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác.

Thông tin được công bố trên HNX, năm 2023, Tập đoàn Phenikaa ghi nhận lợi nhuận đạt 611 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Phenikaa tăng 8,5% so với đầu năm lên 14.836 tỷ đồng. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu của công ty tăng 3,3% lên 8.778 tỷ đồng.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 0,69 lần. Như vậy, nợ phải trả của doanh nghiệp đạt khoảng 6.057 tỷ đồng, trong đó có 904 tỷ đồng là dư nợ trái phiếu.

Lại nói đến Vicostone, sau một thập kỷ gia nhập vào "hệ sinh thái" Phenikaa, doanh nghiệp này từ nỗi lo biến mất hoàn toàn trên thị trường đã trở thành một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu trên thế giới. Trong đó, 3 thị trường mang lại doanh thu chính cho công ty này là Bắc Mỹ, châu Úc, châu Âu.

Sơ qua về tình hình kinh doanh của Vicostone, giai đoạn từ 2015-2021, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm. Theo đó, lợi nhuận của công ty đã tăng từ 404 tỷ đồng vào năm 2015 lên 1.772 tỷ đồng vào năm 2021, tương đương tăng gấp 4,3 lần. Khoản lãi nghìn tỷ trong năm 2015 cũng chính là kỷ lục lợi nhuận trong lịch sử kinh doanh của Vicostone.

Đứt mạch tăng trưởng liên tiếp, năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của Vicostone đều ghi nhận tín hiệu sụt giảm. Cụ thể, doanh thu của công ty đạt 5.660 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.148 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 35% so với cùng kỳ năm 2021.

Sang năm 2023, Vicostone tiếp đà giảm với doanh thu thuần giảm xuống còn 4.354 tỷ đồng và lãi sau thuế 846 tỷ đồng, Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay của công ty.

Theo giải trình của công ty, dưới tác động của suy giảm kinh tế, Vicostone cho biết hệ thống nhà phân phối tại các thị trường của doanh nghiệp này buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch tài chính, bán hàng, tồn kho, dẫn tới việc giảm số lượng đơn hàng với Vicostone.

Thêm nữa, tình hình cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ trong ngành, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan cũng là một trong những tác động ảnh hưởng tới doanh thu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.