“Facebook hiểu rằng không ai thích xem và hưởng ứng các bài đăng giật gân, thông tin rác (spam) hay nội dung sai lệch về sức khỏe gây vì chúng hiểu lầm nghiêm trọng và rủi ro khôn lường cho cộng đồng” - Trevis Yeh khẳng định.
Vì vậy, vừa qua Facebook đã thực hiện hai bản cập nhật xếp hạng trên nền tảng để giảm độ hiển thị của các bài đăng chứa thông tin y tế phóng đại hoặc giật gân và các bài đăng quảng cáo/rao bán các sản phẩm hoặc dịch vụ hứa hẹn sẽ có lợi ích cho sức khỏe.
Cụ thể, những bài đăng về sức khỏe có thông tin mang tính phóng đại hoặc gây nhầm lẫn, những bài đăng quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên những thông tin liên quan đến sức khỏe mà không có cơ sở khoa học, y tế xác nhận sẽ bị giảm xếp hạng.
Vì thế, Facebook khuyên các trang nên tránh đăng các bài phóng đại hoặc gây hiểu lầm cho người dùng, và các bài đăng rao bán sản phẩm sử dụng hứa hẹn cải thiện sức khỏe nhưng thiếu cơ sở khoa học. Nếu một Trang ngừng đăng nội dung nói trên, bài đăng của họ sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.
Không chỉ Facebook, theo báo cáo từ Tạp chí Wall Streetxuất bản ngày 02/07, YouTube cũng đang gặp vấn đề tương tự và đã cắt quảng cáo cho các kênh điều trị ung thư giả mạo. Trong một email, YouTube cho biết họ đang nỗ lực giải quyết thông tin sai lệch về các chủ đề y tế.
Hiện YouTube đang hợp tác với các bác sĩ chuyên ngành để xác định những nội dung quảng bá chưa được chứng minh về y tế. YouTube cũng đã chấn chỉnh các thuật toán để giảm tần suất xuất hiện của những video này. Nền tảng này xem các nội dung sai lệch về y tế là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại.
Cho đến ngày 1/7, một số video quảng bá việc sử dụng một loại mỡ được gọi là mỡ đen (black salve) để triệu trị ung thư da đã đạt được hàng triệu lượt xem trên YouTube trong khi đó, thành phần của mỡ đen thường bao gồm kẽm clorua, chiết xuất của lá cây chaparral và cây rễ máu (bloodroot), có khả năng gây hoại tử, hủy diệt các mô tế bào.
David Gorski, Giáo sư ngành phẫu thuật ở Trường Y khoa thuộc Đại học Wayne State ở Detroit (Mỹ), cho biết sử dụng mỡ đen có thể làm bỏng và hủy hoại da khỏe mạnh, dẫn đến nhiễm trùng và không giúp loại bỏ khối u bên dưới da như một lời quảng bá trong một số video trên YouTube...
Các quảng cáo gian dối về y tế là một vấn đề không mới nhưng Internet và các mạng xã hội đã vô tình giúp những kẻ xấu dễ dàng phát tán rộng rãi những video chứa thông tin sai về y tế. Bởi vậy, nếu không tự trang bị kiến thức cho mình, người dùng mãng xã hội sẽ dễ dàng bị nhiễm những thông tin độc hại kiểu này.
H.Y (tổng hợp)