Phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước
Ngày 16/5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với đề án “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới”.
Để hoàn thiện đề án, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được nhiều ý kiến, hiến kế, góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp như: Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Hiệp hội Đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các chủ hãng tàu trong và ngoài nước, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn về cảng biển…
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, với sự ra đời của Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW và Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho thấy vùng Đông Nam bộ được xem là đầu tàu cho cả nước về kinh tế.
Trong đó, khẳng định vai trò của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải không chỉ là cảng cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ, của cả nước mà còn là cảng biển đặc biệt cấp quốc gia.
Vì vậy, khi được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án “tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới”, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vào vị thế trên để đề ra những giải pháp nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trong mối liên kết vùng Đông Nam bộ, phát triển cụm cảng trở thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Quá đó, nhằm phát triển tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả trong toàn vùng Đông Nam bộ, là một trong những động lực hết sức quan trọng đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2050 tiến lên trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Đồng thời, thông qua đó đưa nước ta thành trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho vùng Đông Nam bộ.
Để góp ý, hiến kế cho đề án này, các các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận xoay quanh các chuyên đề như: tiềm năng, lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để phát triển trở thành cảng cửa ngõ, quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Định hướng và giải pháp của cơ quan hải quan nhằm phát triển, hiện đại hóa Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ, quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.
Hiện trạng khai thác và giải pháp thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng Cái Mép - Thị Vải để phát triển trở thành càng cửa ngõ, trung chuyển lớn nhất cả nước.
Vai trò của hệ sinh thái dịch vụ logistics (cảng cạn, ICD, kho bãi, dịch vụ logistics...) trong phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và điều kiện cần, đủ để thu hút hãng tàu tăng các tuyến vận tải container quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải từ góc nhìn của hãng tàu…
Cần thúc đẩy các thủ tục đầu tư, khai thác trung tâm logistics Cái Mép Hạ hiệu quả
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ, để cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển trung chuyển quốc tế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần thúc đẩy các thủ tục đầu tư, khai thác trung tâm logistics Cái Mép Hạ một cách hiệu quả, đảm bảo cho Cái Mép - Thị Vải trở thành một trung tâm kết nối không chỉ trong phạm vi quốc gia Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Bên cạnh đó, đề án cần bổ sung nghiên cứu chi tiết về thị trường vận tải toàn cầu, thị phần vận tải của từng hãng tàu trên thế giới và các cảng biển đã được các hãng tàu lựa chọn làm bản doanh trung chuyển, phân phối hàng hóa.
Theo ông Giang, đề án cần nghiên cứu cụ thể các chính sách mà các quốc gia lân cận, có điều kiện tương tự Việt Nam đã áp dụng để thu hút các hãng tàu, làm cơ sở xây dựng chiến lược cạnh tranh thu hút hàng trung chuyển hiệu quả, bền vững.
Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường điều phối vĩ mô để đảm bảo phối hợp liên vùng, liên ngành trong phát triển cảng biển nói chung và cảng trung chuyển quốc tế nói riêng.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng nước sâu hàng đầu của cả nước, gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương xuất nhập khẩu của khu vực miền Nam, đã được xác định là cụm cảng đặc biệt trong Quy hoạch cảng biển quốc gia.
Cùng với việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và khu thương mại tự do gắn với cảng biển sẽ là động lực phát triển của cả vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới.
Đồng thời, thúc đẩy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, giúp vùng Đông Nam bộ trở thành trung tâm logistics thuộc nhóm hàng đầu khu vực và thế giới vào năm 2050.
Gio Linh