Có tỉnh giảm đến 16.000 hồ sơ
Mới đây, các sở GD&ĐT phía Bắc tiến hành bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2013 cho các trường theo quy định. Theo đó, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH - CĐ của hầu hết các tỉnh đều giảm so với năm 2012. Hồ sơ đăng ký dự thi của Thanh Hóa còn 63.000, giảm đến 16.000 hồ sơ so với năm 2012. Đây là tỉnh giảm nhiều nhất trên cả nước. Một số tỉnh giảm nhiều như Bắc Giang có 25.752 hồ sơ, giảm gần 6.000 hồ sơ; Bắc Ninh có 20.802, giảm 5.000 hồ sơ; Vĩnh Phúc có 19.354, giảm gần 4.200 hồ sơ; Thái Bình có 43.309, giảm gần 5.000 hồ sơ...
Những ngành nghề thu hút thí sinh năm nay chủ yếu là ngành có điểm đầu vào không quá cao như ĐH Thái Nguyên, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Khối các ngành nông-lâm-ngư nghiệp chiếm ưu thế hơn cả, trong khi đó, khối các ngành kinh tế sụt giảm, thí sinh nghiêng về các trường đại học địa phương.
Nhiều nhận định cho rằng hồ sơ dự thi ĐH - CĐ giảm là tín hiệu vui.
Lý do của tình trạng giảm này được nhiều sở GD&ĐT giải thích là sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp nhiều. Trên thực tế, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Sinh viên ra trường từ hai đến ba năm mà vẫn chưa xin được việc, xu hướng xin trái ngành cũng phổ biến. Theo báo cáo mới nhất của sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/2/2013, tỉnh có 24.956 HS-SV đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Thanh Hóa cũng là tỉnh có số sinh viên ra trường thất nghiệp lớn nhất cả nước.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: "Tôi cho rằng hồ sơ thi đại học giảm là một tín hiệu tốt. Việc này chứng tỏ thanh niên hiện nay nhìn nhận vấn đề lập nghiệp khác trước. Họ không quan niệm chỉ có đại học là con đường duy nhất để tiến thân. Sau trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, người ta có thể tham gia lao động trực tiếp hoặc đi học nghề. Còn nếu vào đại học, cao đẳng thì phải chọn những ngành có triển vọng, chọn những trường đào tạo có chất lượng. Việc thanh niên định hướng được nghề nghiệp và lượng được sức mình khi đăng ký dự thi là một tín hiệu đáng mừng".
Cần cân đối lại quy mô phát triển
Theo GSTS Nguyễn Minh Thuyết, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển quy mô với đảm bảo điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo. Nước ta hiện nay đang có tình trạng chỗ đáng phát triển quy mô thì không phát triển đúng mức, chỗ không cần thì lại phát triển quá mức. Chẳng hạn trong giáo dục mầm non, Nhà nước đầu tư ít, chủ yếu dựa vào các gia đình. Điều bất cập này khiến người dân đổ xô 2 - 3h sáng đi xếp hàng xin cho con học mà cũng khó như... lên giời. Trong khi đó, đại học lại phát triển quá mức, hàng chục nghìn cử nhân thừa ế không có việc làm. Đất nước cần hai, ba chục nghìn cử nhân, kỹ sư thì mình đào tạo đến 400 nghìn/năm, gây lãng phí thời gian, tiền của.
"Nước ta đang cần các ngành kỹ thuật nhưng tất cả những trường nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như hầu hết trường tư thục mới mở không ai đầu tư vào những ngành đó. Người ta chỉ đầu tư mở những ngành dạy lý thuyết vì chỉ cần trang bị mấy quyển sách là xong; nếu mở ngành kỹ thuật thì phải mua trang thiết bị tốn tiền. Ngay từ bậc phổ thông, điều kiện đào tạo cũng đã không đảm bảo. Ở nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, trường lớp đã xập xệ lại còn phân tán, lớp học thường là lớp ghép, tức là ghép học sinh thuộc mấy lớp khác nhau trong một phòng học. Ở đô thị, cơ sở vật chất tương đối tốt nhưng một lớp lên đến 50 - 60 học sinh, trong khi chuẩn quy định một lớp 35 em. Lớp đông như vậy thì đổi mới phương pháp dạy học thế nào?", ông Thuyết nói.
GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Nhìn nhận lại mục tiêu giáo dục
Theo GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, trước thực trạng giáo dục như hiện tại, phải xác định lại mục tiêu của giáo dục. Nếu chỉ quan niệm mục tiêu là đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì chưa đủ. Giáo dục trước hết phải tạo điều kiện cho mỗi học sinh tự phát hiện được mình, nghĩa là phát hiện được nguyện vọng, sở trường của mình, từ đó có định hướng phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách.
Cũng cần quan niệm một cách đúng đắn hơn về "giáo dục toàn diện". Giáo dục toàn diện không có nghĩa là cái gì cũng học, cũng biết. Không thể có những người giỏi toàn diện như vậy. Điều quan trọng nhất là tạo điều kiện để mỗi cá nhân trở thành một nhân cách như chính mình mong muốn.
Chúng ta không thể đòi hỏi GS. Ngô Bảo Châu chơi piano giỏi như nghệ sỹ Đặng Thái Sơn, cũng không cần nhà thơ Trần Đăng Khoa đoạt giải Fields về toán như Ngô Bảo Châu hay trở thành bậc thầy về piano như Đặng Thái Sơn mà chỉ cần ông ấy làm thơ hay. Hãy tưởng tượng ba tài năng này môn gì cũng biết nhưng không môn nào đạt đến mức cao như họ đã có thể đạt đến hiện nay thì xã hội sẽ thiệt thòi như thế nào? Nhiều học sinh chán học có thể vì mình cứ muốn các em toàn diện, bắt các em học đủ 18 môn trong khi chỉ cần 4 môn bắt buộc và một vài môn tự chọn là đủ. "Giáo dục toàn diện" kiểu đó là giáo dục tách rời nhu cầu phát triển của mỗi người, đồng thời tách rời nhu cầu của thị trường lao động, của xã hội. Giáo dục toàn diện cần được hiểu là bên cạnh các môn học trong nhà trường, học sinh còn phải được rèn luyện thông qua các hoạt động xã hội, hoạt động lao động phù hợp với lứa tuổi.
Yến Dương