Nhiều doanh nghiệp "lặng lẽ" rời bỏ thị trường
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Cục thống kê tỉnh Nghệ An, năm 2024 (từ ngày 01/01/2024 - 31/12/2024), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 2.207 doanh nghiệp thành lập mới.
Có 821 doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 16,05% (-157 doanh nghiệp). Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoạt động trở lại là 137 đơn vị, tăng 23,42% (+26 đơn vị).
Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 1.651 doanh nghiệp, tăng 7,77% (+119 doanh nghiệp); Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động 220 đơn vị, tăng 18,92% (+35).

Ngay đầu năm, nhiều công ty đã bắt đầu hoạt động với khí thế mới.
Bước sang năm 2025, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức như: chuỗi cung ứng toàn cầu còn yếu, thiếu hụt nguồn cung, lạm phát đang hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro lãi suất tăng và biến động tỷ giá hối đoái…
Cũng vì vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 năm 2025 ước tính giảm 3,32% so với tháng trước, tuy nhiên lại tăng 8,27% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh một số doanh nghiệp, nhà máy tăng sản xuất do có đơn hàng xuất khẩu, thì nhiều đơn vị gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình thế giới cũng như trong nước nên sản phẩm sản xuất thấp.
Như: Bê tông tươi ước đạt 38,1 nghìn m3 , giảm 32,01%; Loa BSE ước đạt 3,0 triệu cái, giảm 25,95%; Sợi ước đạt 400 tấn, giảm 20,0%; Dịch vụ sản xuất dây cáp điện khác ước đạt 624,2 tỷ đồng, giảm 14,48%; Bia đóng chai ước đạt 2,8 triệu lít, giảm 13,97%; Ống thép Hoa Sen ước đạt 3,0 nghìn tấn, giảm 8,59%; Đường ước đạt 29,8 nghìn tấn, giảm 8,02%; Xi măng ước đạt 710,4 nghìn tấn, giảm 5,01%.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn Nghệ An rơi vào tình trạng bi đát khi bị cơ quan thuế tỉnh này liên tục "chỉ mặt, điểm tên" do nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước kéo dài.

Mặc dù vậy, do nhiều lý do nên nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thách thức.
Về việc này, ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, qua khảo sát, đa số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động trong năm 2024 là các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động thấp trong nhiều năm và đang trong quá trình cơ cấu lại.
Nhằm tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng, ngay từ đầu năm 2025, các cấp ngành, chính quyền tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hoạt động hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trợ lực cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025, chuẩn bị tiền đề cho kế hoạch 5 năm 2025 - 2030 của nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XX, cùng cả nước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mục tiêu tổng quát của Nghệ An là "tăng tốc, bứt phá" thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 ở mức cao nhất để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,5 - 10,5%, bình quân thu nhập đầu người từ 71 - 72 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu 4,5 tỷ USD…

Phó Chủ tịch UBND Bùi Thanh An khẳng định tỉnh Nghệ An luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động.
Vào ngày 17/2, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND Nghệ An đã yêu cầu các sở ban ngành tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/2/2023 về tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Ngoài ra, để thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản về việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, kế hoạch số 9281/UBND-KT, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã kịp thời thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chính sách đã ban hành, các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Trong quá trình tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển; khuyến khích việc nghiên cứu cơ chế để các doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo ra chuỗi giá trị và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Nghệ An sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững năm 2025.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND Nghệ An đề nghị tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
"Các sở ban ngành theo thẩm quyền chủ động gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp tại địa phương, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thiên tai, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng... theo các quy định", Phó Chủ tịch UBND Nghệ An nêu.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2025, cả nước có gần 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,6% so với tháng trước, nhưng giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cả nước lại có tổng cộng 58.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thương trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.