Tất cả không gian trong căn nhà nhỏ chưa đầy 25m2 được nhường lại để lấy chỗ trưng bày cho hơn ba trăm bức tượng Phật, và vẫn không ngừng tăng lên theo dù được thầy lựa chọn rất kỹ càng theo nguyên tắc “nhất kỳ, nhì cổ”.
“Nhất kỳ, nhì cổ”
Căn phòng nhỏ nằm phía sau tòa Tam điển trong khuôn viên chùa Phổ Đà (đường Phan Chu Trinh, TP. Đà Nẵng) là nơi làm việc, sinh hoạt của thượng tọa Thích Từ Nghiêm, Trưởng ban hành pháp Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại TP. Đà Nẵng. Thế nhưng từ hơn 10 năm nay, phần lớn không gian của căn phòng này được nhường lại để làm nơi lưu giữ trưng bày các bức tượng Phật cổ, mà thầy Nghiêm bắt đầu sưu tầm trong các chuyến đi công tác của mình từ cách đây hơn 10 năm.
Thầy Nghiêm cùng những bức tượng Phật “nhất kỳ, nhì cổ” của mình.
Phải rất may mắn, chúng tôi mới gặp thượng tọa Thích Từ Nghiêm trong những lần hiếm hoi thầy ở chùa. Phần lớn thời gian của thầy được dành cho những chuyến đi công tác dài ngày ở nước ngoài, ở các tỉnh xa. Trong mỗi chuyến đi xa chỉ cần nghe ai đó giới thiệu, thấy tượng đẹp, lạ là thầy thỉnh về chứ không nhất thiết bức tượng đó phải là đồ cổ. Nổi bật trong bộ sưu tập tượng Phật được kỳ công tìm kiếm sưu tầm theo tiêu chí “nhất kỳ, nhì cổ” là pho tượng Quan Âm thác kiến bằng gỗ hóa thạch cách đây hơn 700 năm có một không hai.
Nếu như bức tượng Quan Âm thác kiến được nhiều nhà sưu tầm hiểu biết trả giá đến hơn 500 triệu đồng, khẳng định được giá trị của một pho tượng cổ vào loại độc bản. Thì những bức tượng kỳ lạ được thầy mang về trong những lần sưu tầm khác nhau lại khẳng định sự kỳ lạ trong bộ sưu tập của mình. Trong số đó, pho Đức Thích Ca được vớt lên từ dưới biển, được thầy tìm về tại Đà Nẵng. Còn hai tượng còn lại là Phật Văn Thù được thỉnh về từ TP.HCM và Phật Phổ Thần được thỉnh về từ Đà Lạt.
Bộ 18 vị La Hán cũng bằng men bạch định từ thời nhà Thanh, rất ít người có cũng được thầy thỉnh về từ TP.HCM, đã khẳng định được “nhất kỳ” trong tiêu chí sưu tầm của thầy. Thầy tâm sự: “Bức tượng Thích Ca được vớt từ dưới biển lên, nhiều nhà nghiên cứu nói đây là đồ giả không phải đồ cổ, nói thầy không nên đưa vào bộ sưu tầm. Thế nhưng tôi lại thấy rằng đây là bức tượng đặc biệt khi bị vùi lấp dưới biển suốt một thời gian dài, trên bức tượng còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn của quãng thời gian đó”.
Thầy tiếp lời: “Tôi đã bỏ công sức ra sưu tầm rồi, tượng đến với mình là một mối lương duyên nên mình chưa bao giờ có ý định sẽ đổi, hoặc bán các cổ vật. Tất cả sẽ được tập hợp lại để thầy thực hiện ước mơ mở một phòng triển lãm tượng Phật cổ. Trong đó, có sưu tầm thêm tranh đá quý, tranh sứ, các chậu kiểng vẽ văn hóa Phật giáo... cùng với các bộ kinh đặc biệt để tạo nên một không gian văn hóa Phật giáo độc đáo riêng để giới thiệu mọi người”.
Cơ duyên với 300 tượng Phật cổ
Nói về cái duyên của mình với những bức tượng lạ đó, thầy cho biết: “Năm 2005, khi tôi đang là Phó ban hành pháp của giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP. Đà Nẵng. Trong một chuyến công tác ngoài Hà Nội, vốn đam mê với đồ cổ nên sau khi hoàn thành xong công việc, tôi tranh thủ quãng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi trước khi quay trở lại Đà Nẵng, ghé thăm con phố Hoàng Hoa Thám, được dân chơi đồ cổ Hà thành coi là “chợ” đồ cổ. Khi vừa ghé thăm một cửa hàng đồ cổ, tôi bị ấn tượng bởi hình dáng quá đặc biệt của bức tượng “Tôn giả Long thọ bồ tát”. Tôi đã bỏ ra cả một gia tài để có được bức tượng này dù chưa hề biết nguồn gốc, tên gọi của bức tượng mà mình vừa có được”.
Thế nhưng bức tượng “Phật Vô Úy” được thầy Nghiêm coi như báu vật trong bộ sưu tập của mình khiến thầy bỏ ra rất nhiều công sức. Mê mẩn bức tượng ngay sau lần đầu nhìn thấy. Sau nhiều lần không ngại sớm khuya đến nhà của chủ nhân bức tượng khi đó cũng là một người mê sưu tầm đồ cổ ở Đà Nẵng đề nghị mua lại. Cuối cùng, thầy cũng có được bức tượng “Phật Vô Úy” dù số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Thầy Nghiêm cho biết bức tượng “Phật Vô Úy” này thuộc dạng “độc bản”. Quan sát bức tượng bằng đồng đen được làm theo phong cách bộ tộc thời xưa, ai cũng nhận thấy rõ phong thái của một vị thần, hai tay đưa lên ngăn hết cái xấu cái ác từ bên ngoài.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bức tượng “Phật Vô Úy” có nguồn gốc từ Campuchia, hoặc Thái Lan với hình dáng rất ấn tượng của các dòng tượng phật có nguồn gốc từ đây. Thế nhưng theo thầy Nghiêm cùng một số nhà nghiên cứu khác thì bức tượng “Phật Vô Úy” có xuất xứ từ Việt Nam khi trên đầu bức tượng đội mũ long chim lạc (chỉ xuất hiện duy nhất ở Việt Nam). Phong cách đội mũ lông chim diễn đạt phật giáo có từ thời Hùng Vương.
Thú sưu tầm tượng Phật cổ đến với thầy Nghiêm như một căn duyên. Thầy Nghiêm kể, trong những chuyến đi nước ngoài làm việc, thấy rằng ở tất cả các nơi đều có bảo tàng, triển lãm về tượng Phật. Mỗi một pho tượng đều gắn với lịch sử, ý nghĩa riêng, văn hóa Phật giáo mỗi nước được in dấu ấn rõ nét qua phong cách điêu khắc tượng Phật.
“Đơn cử, tuy cùng xuất phát từ Ấn Độ nhưng khi Phật giáo qua Trung Quốc, Việt Nam đã có sự khác biệt lớn do ảnh hưởng văn hóa bản địa. Tương tự, khi Phật giáo qua Thái Lan, Campuchia... thì lại mang sắc thái riêng”, thầy Nghiêm chia sẻ. Và công việc sưu tầm tượng Phật được thầy lặng lẽ thực hiện kể từ dạo đó, cách đây hơn 10 năm. Dần dần, nó trở thành niềm đam mê thứ hai của thầy, sau kinh kệ.
Những tượng Phật được thầy Nghiêm sưu tầm khá phong phú, đa dạng về chủng loại và chất liệu từ đồng, gỗ, sành, bạc, ngọc và tượng được thiếp vàng. Nhiều tượng được mọi người trầm trồ yêu thích như: Tượng Phật Di lặc điêu khắc từ gỗ mun có niên đại hơn 200 năm đến tượng đồng Cô Xá Na Phật thời Minh niên đại 500 năm, tượng Quan Thế Âm điêu khắc từ gỗ hóa thạch, rồi bộ tượng Linh sơn tam Thánh làm bằng men bạch định đời nhà Thanh, tượng Thập nhất diện Quan Âm niên đại 300 năm, Quan Âm thác kiến bằng gỗ hóa thạch niên đại cách đây 700 năm... Mỗi một pho tượng gắn với một lịch sử riêng, một mối lương duyên riêng.
Kỳ thú pho tượng Quan Âm thác kiến
“Nhất kỳ, nhì cổ” là tiêu chí chọn tượng Phật của hòa thượng Thích Từ Nghiêm. Đi đâu hoặc nghe ai giới thiệu, thấy tượng đẹp, lạ là thầy thỉnh về chứ không nhất thiết nó phải là đồ cổ. Nổi bật trong bộ sưu tập này là pho tượng Quan Âm thác kiến bằng gỗ hóa thạch cách đây hơn 700 năm có một không hai.
Thầy cho biết: “Cách đây 400 năm, Đà Nẵng giao lưu với Nhật Bản và tặng một bức tranh vẽ về bức tượng này. Mới đây, người Nhật Bản đem tặng lại bức tranh đó như để nhắc nhớ về tình cảm bang giao thuở xưa. Một nhà sưu tầm tư nhân bật mí, bức tượng này của tôi đã được người chơi cổ vật trả giá 500 triệu đồng nhưng tôi nhất quyết không bán.
“Mình đã bỏ công sức ra sưu tầm rồi, tượng đến với mình là một mối lương duyên nên mình chưa bao giờ có ý định sẽ đổi, hoặc bán các cổ vật. Tất cả sẽ được tập hợp lại để thầy thực hiện ước mơ mở một phòng triển lãm tượng Phật cổ. Trong đó, có sưu tầm thêm tranh đá quý, tranh sứ, các chậu kiểng vẽ văn hóa Phật giáo... cùng với các bộ kinh đặc biệt để tạo nên một không gian văn hóa Phật giáo độc đáo riêng để giới thiệu mọi người”, thầy Nghiêm tâm sự. Vì vậy trong bộ sưu tập của mình, nếu hỏi thầy yêu thích tâm đắc cái nào nhất thì quả là câu hỏi hóc búa với người sưu tầm đặc biệt này.
Thỉnh thêm nhiều tượng Phật có giá trị Căn phòng của thầy Nghiêm đã nhường chỗ hết cho không gian trưng bày bộ sưu tập tượng quý này, và cứ sau mỗi một lần thỉnh tượng, nơi ở của thầy lại trở nên chật chội hơn. Nhưng với thầy Nghiêm đó không là điều quan trọng mà cái chính là làm sao có điều kiện, cơ hội được thỉnh thêm nhiều tượng Phật có giá trị để thực hiện ước mơ xây dựng phòng triển lãm, bảo tàng riêng về văn hóa Phật giáo nói chung và tượng Phật cổ nói riêng của mình. |
Nguyễn Cường