Theo lãnh đạo Ban QLDA 85 (Bộ GTVT), cao tốc Hoài Nhơn- Quy Nhơn có 96 mũi thi công (40 mũi thi công cầu, 13 mũi thi công đường, 43 mũi thi công cống/hầm chui). Tổng số máy móc, thiết bị: 486 đầu thiết bị, với gần 1.300 nhân sự kỹ sư, công nhân, lái máy, đạt yêu cầu kế hoạch.
Đến nay, toàn tuyến đạt tiến độ hơn 22%, vượt gần 1% kế hoạch. Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban QLDA 85, mục tiêu năm 2024, các cao tốc qua Bình Định, Phú Yên do Ban đảm trách sẽ thảm bê tông nhựa mặt đường 25km. Các nhà thầu nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ dự án.
Tuy nhiên, ông Hoài đề nghị các bộ ngành trung ương, địa phương sớm vào cuộc để tháo gỡ đường găng GPMB phần diện tích rừng tự nhiên tại gói thầu 11XL cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn.
Đoạn tuyến qua rừng tự nhiên (Km18+650 - Km21+100) có khối lượng đất, đá tận dụng rất lớn (khoảng 2,6 triệu m3, dự kiến thi công trong khoảng 12 tháng) còn vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, đây là gói thầu có khối lượng đắp đất nền đường khai thác từ mỏ rất lớn khoảng 7,3 triệu m3. Ban QLDA kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ chuyển mục đích sử dụng rừng tuyến chính Dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn.
Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đến nay địa phương đã bàn giao cơ bản mặt bằng toàn tuyến cho dự án. Chỉ còn vướng 2 đơn vị tập thể do cơ chế đặc thù, đền bù hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái chưa di dời. Kiến nghị về giải phóng mặt bằng đất rừng tự nhiên, tỉnh đề nghị các bộ ngành trung ương khẩn trương xử lý.
Trực tiếp thị sát cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, các cao tốc qua Quảng Ngãi đến Phú Yên đến nay có chuyển biến rõ nét trên công trường. Đặc biệt, ban quản lý dự án, các đơn vị chức năng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương trong GPMB, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai.
"Kiểm tra công trường, tôi đặt niềm tin các dự án này sẽ hoàn thành vượt tiến độ, phấn đấu cán đích vào 30/9/2025, vượt tiến độ ít nhất 1 quý", ông Thắng nhấn mạnh.
Để đảm bảo các dự án hoàn thành vượt tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp địa phương xử lý tồn đọng GPMB, thống nhất điều chỉnh giải pháp kỹ thuật xử lý nền đất yếu bằng cọc đất gia cố xi măng…
Bộ trưởng lưu ý việc di dời hạ tầng kỹ thuật phải sớm triển khai, không để tồn đọng, phát sinh nhiều bất cập...
Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng tiến độ nhưng phải đảm bảo tuyệt đối chất lượng. Tiến độ đã tốt nhưng dự án phải hoàn thành đồng bộ. Đường không chỉ xong hạ tầng phần cứng mà hoàn thiện cả phần mềm, như hệ thống quản lý giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, khắc phục bất cập giai đoạn trước, ở giai đoạn 2 này cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ. Trong đó, trạm dừng nghỉ triển khai đồng bộ, ngay khi đưa cao tốc vào khai thác, các trạm dừng nghỉ được hoàn thành, tránh hệ lụy xe cộ dừng nghỉ trên cao tốc, mất ATGT, mỹ quan, môi trường...
Trạm dừng nghỉ không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn mà phấn đấu vượt chuẩn, quy mô và tiện ích nhất. Địa phương cần vào cuộc, hỗ trợ để triển khai kịp thời.
Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 -2025.
- Tổng chiều dài tuyến: 70,1km qua tỉnh Bình Định (Thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn).
- Tổng mức đầu tư: 12.401,25 tỷ đồng.
- Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án 85.