Ngày 4/5, Bộ Thông tin và Truyền thông bất đầu lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính. Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật Giao dịch điện tử 2005 bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là Luật khung, được ban hành sớm, sau khi có Luật mẫu của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL). Nội dung cơ bản bám theo Luật mẫu của Liên Hợp Quốc nên còn mang tính khung và mang tính nguyên tắc chung. Luật mẫu của Liên Hợp Quốc có xu hướng viết cho các nước đã phát triển, nơi có hệ thống, pháp luật và văn hoá khá khác biệt với Việt Nam. Vì vậy, khi áp dụng vào Việt Nam thì nảy sinh một số bất cập khó thực thi trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.
Thứ hai, do là Luật khung, mang tính nguyên tắc, nên trong 15 năm qua chỉ có một số lĩnh vực chịu áp lực lớn của hội nhập quốc tế, có nhu cầu cấp thiết tự thân, tiên phong nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật quy định chi tiết để thực thi và ứng dụng mạnh mẽ giao dịch điện tử, điển hình như lĩnh vực thông tin và truyền thông (chữ ký số), ngân hàng (thanh toán điện tử), tài chính (giao dịch chứng khoán, hoá đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử) và thương mại điện tử. Với nhiều lĩnh vực khác, việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu các quy định cụ thể của Luật Giao dịch điện tử 2005. Hơn nữa, Luật Giao dịch điện tử 2005 còn loại trừ không áp dụng cho khá nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống, kinh tế và xã hội.
Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển.
Thứ tư, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Về nguyên nhân của các hạn chế trên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Giao dịch điện tử được xây dựng vào thời điểm ngành CNTT của Việt Nam cũng như hoạt động giao dịch điện tử, Chính phủ điện tử và thương mại điện tử chưa phát triển. Sau 15 năm, cùng với sự phát triển đột phá của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, sinh trắc học, blockchain... đã tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử sâu rộng hơn. Ứng dụng công nghệ mới trong giao dịch điện tử đã phát sinh những vấn đề mới mà Luật Giao dịch điện tử 2005 chưa quy định.
Sau 15 năm triển khai, đất nước có nhiều tiến bộ về kinh tế và xã hội. Đất nước ta hội nhập sâu rộng hơn với sự tham gia các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định trong khuôn khổ WTO, AFTA, CPTPP, EVFTA... Trong giai đoạn mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số đặt ra nhiều thách thức về chính sách và mô hình quản lý giao dịch điện tử.
Trong quá trình 15 năm thực thi đã có nhiều Luật chuyên ngành liên quan được ban hành như: Bộ Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng... và các văn bản hướng dẫn. Nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc trùng lặp với các quy định chuyên ngành.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Giao dịch điện tử được ban hành vào thời điểm ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ở giai đoạn ban đầu, có nhiều vấn đề chưa được nhận diện. Vì vậy, trong quá trình thực thi các quy định còn thiếu đã gây khó khăn cho công tác xây dựng văn bản hướng dẫn, triển khai thực tế.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua là rất cần thiết, nhằm hiện thực hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật Giao dịch điện tử 2005, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội số, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung
Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nhóm nội dung chính trong 9 chính sách đã được thông qua theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 6 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ.
Chính sách 1, quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử, theo đó đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.
Chính sách 2, quy định đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu nhằm giải quyết bất cập của Luật Giao dịch điện tử 2005 là quy định không đủ chi tiết để thực thi bảo đảm được giá trị pháp lý và độ tin cậy, an toàn của thông điệp dữ liệu.
Chính sách 3, quy định bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nhằm giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.
Chính sách 4, quy định đảm bảo giá trị pháp lý của tài khoản giao dịch và dịch vụ tạo lập, xác thực tài khoản giao dịch. Với chính sách này, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của các loại tài khoản giao dịch gắn với chủ thể giao dịch trong hoạt động giao dịch điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.
Chính sách 5, quy định đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Với chính sách này, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử cũng như các công đoạn của quy trình giao kết hợp đồng điện tử, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai giao dịch hợp đồng điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.
Chính sách 6, quy định về dịch vụ tin cậy và dịch vụ hỗ trợ giao dịch điện tử nhằm bổ sung quy định để chứng thực giá trị pháp lý của giao dịch điện tử và các yếu tố cấu thành, đảm bảo giao dịch điện tử an toàn, tin cậy và hỗ trợ để các hoạt động giao dịch điện tử chuyên nghiệp, phù hợp yêu cầu trong thực tế phát triển.
Chính sách 7, quy định về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước và chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số. Với chính sách này, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường mạng với lộ trình và giải pháp khả thi để thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam.
Chính sách 8, quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử nhằm hoàn thiện, đồng bồ với các Luật ban hành sau Luật Giao dịch điện tử 2005 được ban hành như Luật An toàn thông tin và Luật an ninh mạng.
Chính sách 9, quy định về nền tảng số, dịch vụ số và hệ thống giao dịch điện tử. Các nội dung dự thảo Luật sẽ tập trung vào nghĩa vụ của các nền tảng số trong hoạt động giao dịch điện tử, quy định quản lý hệ thống giao dịch điện tử và hoạt động giao dịch điện tử trên nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến.
Tuệ Minh