Mô hình rút ngắn thời gian
Mới đây, trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) đã khai giảng đào tạo thí điểm mô hình dạy nghề 9+ đầu tiên. Học sinh khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cao đẳng nghề và bằng tốt nghiệp THPT.
TS. Nguyễn Hồng Tây, Hiệu trưởng trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cho biết: “Học sinh hết lớp 9 đi học nghề thường là những học sinh có học lực trung bình, nhưng có nhu cầu học nghề để tìm việc làm. Tuy nhiên, nếu đào tạo văn hóa và đào tạo nghề ở bậc trung cấp thì khi ra tìm việc làm chưa chắc các em đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng thuần thục, rất khó để cạnh tranh ở những vị trí việc làm tốt. Vì vậy, mô hình đào tạo 9+ sẽ cơ bản giải quyết được bài toán trình độ đào tạo”.
Thầy Đàm Bạch Long đánh giá: “Đây là một ý tưởng tích cực, nhưng thời gian học có đáp ứng không và chất lượng có đảm bảo không. Đồng thời, phải có thời gian để người học chấp nhận, xã hội công nhận kết quả đó, nếu không sẽ chẳng có ý nghĩa gì”.
“Những năm qua, giáo dục hướng nghiệp chưa thực sự tốt, học sinh đi học chỉ biết học, hầu hết chưa xác định học để làm gì. Các bạn lựa chọn học nghề đã có mục đích học rõ ràng, định hướng nghề nghiệp, trên cơ sở đó, trang bị thêm kiến thức văn hóa thì rất là tốt.
Thứ hai, cuộc chiến thi tuyển sinh vào lớp 10 khốc liệt hơn cả kỳ thi vào đại học. Ngay tại Hà Nội, chỉ có hơn 60% học sinh có cơ hội vào trường công lập, còn lại sẽ rơi vào các trường ngoài công lập, bổ túc, hướng nghiệp dạy nghề… Mà ở tuổi này không đi học thì làm gì, chắc chắc các bạn ấy phải đi học”, thầy Long phân tích.
Thầy Long khẳng định: “Vì vậy, nếu mô hình này được đưa ra và nhân rộng thì học sinh THCS sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, giảm áp lực học tập, thi cử. Tuy nhiên, phải có sự chấp nhận, công nhận của xã hội, nhà tuyển dụng công nhận giá trị bằng như nhau thì mô hình mới phát triển”.
Khuyến khích học nghề để sớm phân luồng
Đồng quan điểm đó, GS. TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm cũng cho rằng: “Hướng thay đổi này thực sự đáng hoan nghênh. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, có sự liên thông, đó là một lý do để ủng hộ.
Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS, đặc biệt trong chương trình mới, người ta đã thiết kế ra một chương trình cơ bản nhất, kỳ vọng sẽ thực hiện tỷ lệ tốt nhất 60% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ đi học nghề, còn 40% học lên THPT. Tuy nhiên, trước mắt chưa được thì khuyến khích trước, vì phụ huynh học sinh chưa quen, vẫn muốn con mình học hết THPT, lên đại học”.
“Mô hình mới tạo điều kiện cho học sinh được phân luồng sớm và sau khi tốt nghiệp, có thể làm việc được ngay, có thể kiếm được tiền, sau đó, học thêm lên nếu có điều kiện. Trong thời đại này, nghề rất cần, dạy nghề cho phổ thông nên được nhân rộng ra các trường”, ông nhấn mạnh.
TS. Hoàng Ngọc Vinh nhận định, mô hình tiến bộ nào cũng cần lưu ý điểm mấu chốt: “Đảm bảo nguyên tắc tải trọng kiến thức và thi cử phải đánh giá chính xác”.
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, mô hình 9+ nghĩa là học sinh học hết lớp 9 có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn hoặc dài hạn. Cụ thể, như đối với nghề chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, làm bánh trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, học sinh tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề.
Chương trình đào tạo 9+ được thiết kế liên thông phù hợp với độ tuổi. Lứa tuổi 15 - 16 đào tạo sâu về văn hóa, 17-18 đào tạo sâu vào nghề. Học sinh có thể dừng lại bất cứ lúc nào để bước vào thị trường một cách linh hoạt.
Học sinh không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 15-18 tuổi. Lựa chọn thứ 2 là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9 +2, 9 +3, 9 +4, 9 +5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia.