TẬP TRUNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VẬN ĐỘNG HỌC SINH ĐẾN TRƯỜNG
LTS: Đặc thù về phong tục, tập quán nên tình trạng học sinh miền Tây xứ Nghệ bỏ học vẫn diễn ra. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất, cả hệ thống chính trị đã cùng thầy cô đến từng bản, vào từng nhà, vận động các em đến trường.
Bài 1: Chủ tịch xã đến từng nhà vận động các em học sinh trở lại lớp học
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, tình trạng học sinh không đến trường xuất hiện tại các huyện vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An.
Trường đủ cách giữ, trò vẫn trốn về nhà
Liên tục nhiều ngày nay, thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Lượng Minh huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đến điểm trường bản Chăm Puông để vận động các học sinh trở lại lớp học. Tuần học đầu tiên, số học sinh vắng khá nhiều do nhiều nguyên nhân, nhưng sau những nỗ lực của các thầy cô thì hiện nay chỉ vài em vắng.
“Các em tiểu học vắng chỉ do nguyên nhân là mải mê chơi và gia đình không chăm lo. Người lớn đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà nên không ai quản lý, dẫn đến việc không muốn đi học. Nhiều trường hợp tôi đến tận nhà rất nhiều lần nhưng các em vẫn không chịu đến lớp. Thậm chí đe doạ, ép buộc các em đến thì sau đó cũng trốn về nhà”, thầy Thanh nói.
Điển hình như em Lữ Thị Mùi (học sinh lớp 3, điểm trường bản Chăm Puông), nhà ngay cổng trường. Tuy nhiên, do bố mẹ đi làm ăn xa, em ở nhà với ông ngoại nên sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán thì không còn muốn đi học nữa. Dù vận động như thế nào thì em Mùi cũng chỉ khóc chứ nhất quyết không đến lớp.
Hay như em Moong Xuân Ngọc (lớp 2) do bố đang nằm viện, mẹ đi làm rẫy nên sau vài ngày đến lớp thì em đã bỏ về nhà chơi. Các thầy cô nhiều lần đến nhà tìm nhưng vừa thấy bóng dáng thì em đã chạy trốn.
Thầy Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Lượng Minh còn “đau đầu” hơn khi số lượng học sinh vắng trong tuần học đầu tiên lên đến 29 em. Sau rất nhiều nỗ lực vận động thì hiện vẫn có 5 em chưa đến trường, trong đó có 2 em lớp 9 đã đến rồi nhưng vẫn bỏ về.
Năm học 2023 – 2024, trường có 352 học sinh, trong đó 317 em ở bán trú tại trường. Điều đáng nói, hầu hết học sinh của trường đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó hàng chục em có gia cảnh hết sức éo le. Tại ngôi trường này, có em bố đi tù, có em mất mẹ vì ma túy, có em mất cả bố mẹ giờ ở với ông bà.
Thầy Trần Hưng Thái nói rằng, giáo dục ở vùng núi nghèo vốn đã khó, ở nơi bị ma túy “tàn phá” như Lượng Minh càng khó hơn. Đa số nhận thức của phụ huynh học sinh đều rất thấp, việc tuyên truyền rất khó, riêng sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh gần như không có.
Điển hình như em Cụt Văn Quân (lớp 7) vốn là học sinh ngoan, học lực khá so với mặt bằng chung toàn trường. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán thì em không còn đến lớp nữa. Các thầy cô đến nhà mới biết em chuẩn bị đi theo bạn vào tỉnh Quảng Nam để tìm việc làm.
“Các thầy cô đến nhà vận động liên tục trong 3 ngày, lần đầu thì không gặp em nhưng có gặp bố mẹ, lần sau gặp được em thì Quân hứa sẽ đến lớp, nhưng ngày thứ 3 đến thì bố mẹ nói em đã bắt xe đi từ tối hôm qua. Đối với trường hợp này thực sự rất khó, các em không muốn học, gia đình lại không nhiệt tình phối hợp, thì các thầy cô cũng bó tay”, thầy Thái nói.
Tổ vận động “níu chân” học sinh
Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, nhiều năm trước ma tuý “ngự trị” nên đã khiến cho bản làng ở đây trở nên tiêu điều, xơ xác. Sau khi đẩy đuổi được tệ nạn xã hội này, chính quyền địa phương xác định, chỉ có cái chữ, mang cái chữ về cho bà con dân bản mới giúp người Thái, người Khơ Mú trên địa bàn xóa đi tăm tối, lạc hậu.
“Chúng tôi xác định chỉ có giáo dục, định hướng phân luồng cho học sinh, tìm kiếm và giải quyết việc làm cho thế hệ trẻ mới thay đổi được Lượng Minh. Vì vậy, mấy năm nay, chính quyền địa phương luôn đồng hành với các thầy cô đến từng nhà vận động học sinh đến trường”, ông Phúc nói.
Năm nay, xã Lượng Minh đã thành lập tổ vận động học sinh, thành phần 12 người gồm tất cả hệ thống chính trị xã, bản và nhà trường. Ngay từ sau khi ra Tết Nguyên đán, mỗi ngày sẽ có 1 tổ gồm có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã làm trưởng đoàn xuống tận bản, vào tận nhà học sinh để đưa các em đến lớp.
“Mặc dù việc sau Tết rất nhiều, nhưng chúng tôi xác định vì tương lai các em, tương lai của xã Lượng Minh, nên đã cố gắng chia nhau cùng thầy cô đến vận động. Lần đầu chưa được thì sẽ đến lần 2, lần 3… Ngoại trừ việc các em đã bỏ đi làm ăn xa, còn các trường hợp khác dù bất kỳ lý do gì thì chúng tôi cũng sẽ vận động các em tiếp tục việc học”, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh nói.
Hiện có 16 học sinh vắng học ở tất cả các cấp, trong đó 7 em nằm trong danh sách “nguy cơ”, gồm tiểu học 1 em, THPT 1 em và THCS 5 em. Theo Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, tổ vận động đang quyết tâm sẽ đưa tất cả các em trở lại lớp học.
Ông Thái Lương Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết, do đặc thù về địa hình, phong tục nên tình trạng học sinh bỏ học sau dịp Tết vẫn còn. Bên cạnh lý do bỏ học do tập tục tảo hôn, thì số em rời địa phương đi xa làm ăn, ngày càng phổ biến.
Để giảm thiểu tình trạng này, trước Tết, UBND huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học, nhất là chỉ đạo người đứng đầu nhà trường sâu sát trong việc nắm bắt tình hình học sinh. Đặc biệt, các trường đã lập danh sách với những học sinh có “nguy cơ” bỏ học sau Tết. Với các trường hợp này, nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, trưởng bản và các đoàn thể mặt trận đến nhà đưa các em đến lớp.
“Sau khi nhà trường đã nắm bắt được tình hình, chúng tôi cũng đã cùng bàn bạc để tìm kiếm phương án xử lý, nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền và vận động phụ huynh học sinh. Đáng mừng hơn, sau khi được vận động, sau tuần học đầu tiên, các em cũng đã quay trở lại trường học khá nhiều”, ông Thiện nói.
“Ngoài ra, đối với những học sinh thuộc gia đình có điều kiện khó khăn, các nhà trường cũng đã có những phương án hỗ trợ tốt nhất để các em sẵn sàng tâm lý đến trường và không bị chi phối bởi những tác động bên ngoài để dẫn đến tình trạng bỏ học”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương thông tin thêm.
Bài 2: Đẩy lùi tình trạng tảo hôn, mang “vợ chồng học sinh” đến tiếp tục đến lớp