TẬP TRUNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VẬN ĐỘNG HỌC SINH ĐẾN TRƯỜNG
LTS: Đặc thù về phong tục, tập quán nên tình trạng học sinh miền Tây xứ Nghệ bỏ học vẫn diễn ra. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất, cả hệ thống chính trị đã cùng thầy cô đến từng bản, vào từng nhà, vận động các em đến trường.
Bài cuối: Nâng cao nhận thức, tổ chức hướng nghiệp để giảm tình trạng học sinh bỏ học
Với những biện pháp tích cực, tình trạng học sinh bỏ học sau dịp nghỉ Tết tại các huyện biên giới đã được giảm thiểu đáng kể so với các năm trước.
Bám trường, bám bản, bám học sinh
Bắt đầu từ ngày mồng 5 Tết, các thầy cô của ngôi trường vùng sâu, vùng xa, thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn Đoọc Mạy, của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đều bắt đầu trở lại trường. Ngay sau đó, ban giám hiệu đã cùng phối hợp với chính quyền địa phương, trưởng bản, để nắm thông tin về danh sách học sinh có nguy cơ vắng học, nhằm triển khai các phương án vận động.
Thầy Trần Hữu Trường, Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Đoọc Mạy cho biết, trong ngày học đầu tiên sau Tết, đã có 70% sĩ số được huy động tới trường. Đây là con số đáng mừng và quá tốt đối với một trường vùng cao có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông.
Để học sinh vui Xuân, bám trường, bám lớp, trước Tết, các thầy cô đã tổ chức nhiều hoạt động vui đón Xuân như: tổ chức các trò chơi truyền thống, gói và nấu bánh chưng, tặng quà cho học sinh trước khi về nghỉ Tết. Trong các buổi họp cuối cùng với chính quyền xã trước khi nghỉ Tết, nhà trường đã đề nghị xã và các ban, ngành chức năng cùng phối hợp để tuyên truyền phụ huynh đưa con em mình trở lại trường đúng thời gian quy định.
Năm học này, trường tiểu học Đoọc Mạy có 247 học sinh, trong đó có 104 em ở bán trú đến từ các bản như: Phá Kháo, Phà Nọi, Huồi Viêng… Số học sinh hiện đang vắng học chủ yếu ở bản Noọng Hán là do nhà ở quá xa trường. “Một số em ở bản xa đã được bố mẹ đưa đến trường từ chiều hôm trước. Ngay trong ngày đầu tiên, chúng tôi đã tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh đầy đủ”, thầy Trường nói.
Ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn cho hay, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 có 57 học sinh nghỉ học, tuy nhiên sau Tết Nguyên đán 2024 thì chỉ có 19 học sinh. Qua thống kê ban đầu, nhiều trường có số lượng học sinh đi học đạt gần 100% như Trường PTDTBT TH Mường Típ 2, Trường PTDTBT TH Tà Cạ, Tiểu học Chiêu Lưu 2, Trường PTDTBT THCS Phà Đánh.
“Trước Tết, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục nắm vững số lượng học sinh của từng bản, làng, để phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, cấp hội có giải pháp vận động học sinh đến trường khi có biến động số lượng sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các trường đôn đốc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn quan tâm nắm rõ tình hình thực tế để có các giải pháp giúp đỡ học sinh trong học tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày”, ông Phúc nói.
Qua báo cáo của các nhà trường, học sinh bỏ học chia thành các nhóm nguyên nhân gồm: Tảo hôn, bỏ học đi làm công ty, còn lại là ở nhà chưa đi đâu nhưng cũng không đi học nữa. Các trường cũng lập danh sách từng em, sau đó triển khai các phương án để vận động. Vì vậy, hiện chỉ có các học sinh ở nhóm “nguy cơ” thuộc trường hợp bỏ học đi làm là khó vận động nhất.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS. Mục đích nâng cao nhận thức, hướng các em vào con đường đi làm sau khi đã có ít nhất một trình độ nghề nghiệp. Đây là biện pháp phù hợp với học sinh vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có thể hạn chế tối thiểu số lượng học sinh nghỉ học”, Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn thông tin.
Hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp
Thầy Nguyễn Ngọc Tân, Hiệu trưởng PTDTBT THCS Xá Lượng (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết, trường có học sinh của 3 thành phần dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, với đặc điểm văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Tình trạng nghỉ học mỗi năm diễn ra rải rác ở khối 7, 8, 9 với học sinh của cả 3 dân tộc. Chính vì vậy, nhà trường luôn triển khai công tác tuyên truyền trong cả năm học. Mỗi năm ít nhất 1 lần tổ chức ngoại khóa chủ đề chống tảo hôn, bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, tình trạng bỏ học vẫn xuất hiện sau dịp Tết Nguyên đán.
Mấy năm nay ban giám hiệu đã triển khai nhiều hoạt động hướng nghiệp, giúp học sinh nâng cao nhận thức, xác định được mục tiêu, động lực học tập. Qua khảo sát, hàng năm Trường PTDTBT THCS Xá Lượng có 60 - 70% học tiếp lên THPT. Số còn lại được huy động tối đa vào các cơ sở GDNN - GDTX và đào tạo nghề.
“Chúng tôi định hướng và phân luồng học sinh thành 3 nhóm mục tiêu sau THCS gồm: Tiếp tục học lên THPT; vào trung tâm GDNN-GDTX và một số đi học nghề. Nhà trường cũng phối hợp với nhiều đơn vị như Trường cao đẳng nghề Việt - Hàn, cao đẳng nghề Việt – Đức, cao đẳng nghề số 4 Bộ Quốc phòng, Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An… để giới thiệu và hướng nghiệp cho học sinh”, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trước đây, với sự tàn phá của “cơn lốc ma tuý”, hầu hết học sinh xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An chỉ học đến cấp tiểu học, lên bậc học THCS thì bỏ học giữa chừng. Tuy nhiên, từ năm 2016, trường PTDTBT THCS Lượng Minh được thành lập và xây dựng thì giáo dục ở Lượng Minh đã “chuyển mình”.
Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú đã thực hiện phương châm "3 tập trung" (nhà ở tập trung, ăn tập trung và quản lý tập trung), "6 hơn ở nhà" (ăn ngon hơn, ở tốt hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, học tập tốt hơn) và "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở).
Bà Võ Thị Tuyết Chinh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết, công tác bán trú đã đem lại lợi ích thiết thực, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số có điều kiện đến trường, ăn ở, sinh hoạt tại khu vực nội trú của trường, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương.
Điều đáng nói, sau khi tốt nghiệp THCS ở đây, các em sẽ tiếp tục theo học chương trình THPT kết hợp với Cao Đẳng nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Tp. Vinh, tỉnh Nghệ An. Các em sẽ được bố trí việc làm tại các khu công nghiệp và đối với những học viên xuất sắc thậm chí có thể được làm tại các công ty nước ngoài. Đây là động lực cho các em tiếp tục việc học tập tại trường.