Học sinh quay cóp bị kỷ luật, ứng viên GS, PGS gian lận, tại sao không?

Học sinh quay cóp bị kỷ luật, ứng viên GS, PGS gian lận, tại sao không?

Hà Công Luân

Hà Công Luân

Thứ 4, 04/04/2018 18:00

Trong số 41 hồ sơ ứng viên Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) không được công nhận, có 20 ứng viên “tự xin rút” khi nhận thấy mình không đạt đủ các điều kiện. Trước việc các ứng viên GS, PGS có dấu hiệu gian lận trong làm hồ sơ xét/phong, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần làm rõ và có hình thức kỷ luật thích đáng.

Trao đổi với PV, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) không khỏi thất vọng trước quy trình xét/phong GS, PGS hiện nay.

Ông nói: “Chỉ trong vòng 1 tháng rà soát, trong 94 người đã có 41 người không đạt, đây là một tỷ lệ rất cao. Đáng nguy hơn, trong 41 người đó có 20 người làm đơn xin rút vì nhận thấy mình “không đủ tiêu chuẩn”. Giờ đặt vấn đề nếu thanh tra lại toàn bộ các tiêu chí của tất cả các ứng viên thì chắc chắn, tỷ lệ “không đủ tiêu chuẩn” còn cao hơn nữa”.

Học sinh quay cóp bị kỷ luật, ứng viên GS, PGS gian lận, tại sao không?

TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, chúng ta đang có lỗ hổng trong việc xét/phong GS, PGS..

“Từ đó suy ra, không thể nói việc xét/phong GS, PGS của chúng ta hiện nay nghiêm túc cao, quy trình tốt được”, ông Khuyến khẳng định.

Cụ thể, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục Đại học chỉ ra những lổ hổng của quy trình: “Với 3 cấp xét duyệt hồ sơ (Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành, Hội đồng Nhà nước) tưởng chừng như là rất chặt chẽ nhưng hóa ra lại không. Và bằng chứng là chỉ trong 1 tháng rà soát, chúng ta đã tìm ra 41 ứng viên chưa xứng đáng”.

“Tại sao lại vậy? Ở cấp cơ sở người ta hay có tâm lý bao che, nể nang nên dễ dàng đẩy trách nhiệm lên Hội đồng cao hơn để kiểm duyệt. Vậy nên, có những hồ sơ dù chưa đạt chuẩn nhưng vẫn cố tình cho đi vì sợ “mất lòng”. Ở cấp cao hơn thì lại tin tưởng cấp dưới nên cũng không làm kỹ. Đơn cử như Hội đồng ngành Y, với hàng trăm hồ sơ mà xét duyệt trong vòng một ngày thì tôi không hiểu làm kiểu gì? Xét duyệt kiểu “giơ tay” sao?”, ông Khuyến phân tích.

Không chỉ có vậy, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục Đại học còn chỉ ra một thực tế: “Từ kết quả trên, chúng ta nhận thấy chất lượng GS chưa tốt. Trong đợt kiểm tra vừa rồi, chỉ kiểm tra những hồ sơ ứng viên “có đơn kiện” và nội dung thanh tra chủ yếu xung quanh giờ giảng. Vậy còn những điều kiện khác như: Tiếng Anh, công trình nghiên cứu, viết sách… nếu kiểm tra thì tôi chắc chắn sẽ còn nhiều người chưa đạt chuẩn”.

“Trước mắt, phải xử lý nghiêm những người đã gian dối trong việc làm hồ sơ vừa qua, ngoài ra cũng phải xử lý xem xét trách nhiệm của các Hội đồng. Học sinh đi thi mà gian dối, mà quay cóp bị kỷ luật rất nặng. Vậy tại sao chúng ta lại không có hình thức kỷ luật đối với những chuẩn ứng viên GS, PGS gian dối?”, ông Khuyến đặt câu hỏi.

Cuối cùng, ông kiến nghị: “Về lâu dài, tôi kiến nghị giao việc phong GS, PGS về cho các trường đại học và kiểm soát bởi cơ chế rõ ràng. Chức danh này cũng không thể là vĩnh viễn, ai nghỉ hưu, ngừng nghiên cứu, thôi giảng dạy thì phải trả lại chức danh này lại. Như thế, chúng ta sẽ có những GS chất lượng”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp – bộ GD&ĐT): "Nếu làm sai, các ứng viên phải chịu kỷ luật vì đã làm tốn kém tiền của xã hội trong công tác thanh tra, kiểm tra và làm mất uy tín của ngành. Các cơ quan có ứng viên làm sai cần phải thành lập hội đồng kỷ luật cả về hành chính và xử lý về mặt Đảng vấn đề khai báo chưa trung thực trong hồ sơ. Đối với những người có chức danh, lãnh đạo cố ý xác nhận thiếu trung thực... thì phải hạ bậc, không tiếp tục cho làm hồ sơ công nhận GS hay PGS vì dối trá trong khoa học và giáo dục là việc gây ra hệ lụy khôn lường".

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.