GS.TS.NGND Trần Đình Sử người được biết đến với nhiều vai trò, trong đó nổi bật là vai trò chuyên môn đào tạo và nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nhận định: “Chưa biết giáo viên cho học sinh học thuộc lòng văn mẫu nó đang ở mức độ nào, nhưng theo tôi việc cho học sinh học thuộc lòng bài văn đã được giáo viên sửa trước đó là phương pháp giáo dục hoàn toàn sai lầm.
Bởi những bài văn hay là bài văn đã đã được giáo viên “gọt giũa”, là bài học sinh tự viết bằng cảm xúc, suy nghĩ của mình... Chính điều đó, mới giúp cho học sinh phát huy được năng lực, suy nghĩ và tư duy của bản thân. Hơn hết, ngay từ khi học tiểu học các em cần phải có những kỹ năng cơ bản như lập ý, đặt câu, kết luận... Giáo viên đang đánh mất kỹ năng cơ bản nhất của học trò và “ép” chúng thành "vẹt”.
Cũng theo GS.TS.NGND Trần Đình Sử, nếu cứ cho học sinh học theo phương pháp này hệ lụy sẽ là rất lớn. Những thứ đã có sẵn chỉ có giá trị làm mẫu, còn năng lực biểu đạt của học trò là quan trọng và mỗi một học trò có thể biểu đạt nhiều nội dung khác nhau dựa trên một đề bài.
Ông Sử cũng khẳng định: “Việc cho học sinh học thuộc lòng bài văn có sẵn là thể hiện sự lười biếng của giáo viên. Trong trường phổ thông có một loại bài yêu cầu học thuộc lòng để có sự so sánh, thế nhưng việc này không thay thế được việc học sinh tự vận dụng, tư duy để làm bài. Nếu hiện tượng này còn xảy ra thì theo tôi đó là một cách giáo dục sai trái”.
Thầy Trịnh Quỳnh giáo viên dạy văn (trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định) cho rằng: “Việc bắt học vẹt bài văn có sẵn giống như kiểu đang nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh, bắt các em tư duy ở bậc thấp chứ không giúp các em phát huy được sự sáng tạo, cảm xúc cho môn học”.
Theo thầy Trịnh Quỳnh, trong chương trình giáo dục tổng thể sắp tới sẽ có những yêu cầu khắt khe về kiểm tra đánh giá giúp phát triển năng lực người học. Cụ thể, trên lớp giáo viên dạy cách học khi kiểm tra phải yêu cầu học sinh thực hiện những nhiệm vụ tương tự nhưng không có trong bài học như vậy mới đánh giá được sự vận dụng sáng tạo của học sinh vào trong từng bài viết cụ thể.
Không phải học sinh nào cũng yêu thích và học được môn Văn. Vì vậy theo thầy Quỳnh, với những em học yếu môn Văn, giáo viên và phụ huynh cần có sự kết hợp đồng bộ với nhau. Bởi, kiến thức là vô tận không thể học hết, quan trọng là cách học như thế nào. Trong các phương pháp dạy và học môn Văn hiện nay, có lối ra đề mới 5/10 điểm, ở lối ra đề này học sinh không phải học thuộc mà hoàn toàn tư duy nên được triển khai mở rộng, giúp học sinh thoát ly cách dạy đọc chép ghi nhớ như một chú vẹt.
Văn là sự cảm nhận và cảm xúc đến từ sự quan sát của chính người viết. Điều đó giúp thúc đẩy tư duy của trẻ, nuôi dưỡng tâm hồn và mang trẻ đến với sự sáng tạo. Thế nhưng, giờ đây trẻ học môn Văn bằng việc học thuộc lòng bài của người khác. Trẻ sẽ học được gì từ cách học văn máy móc đó? Xin đừng biến trẻ nhỏ thành những "con vẹt" vô cảm.
Nhóm PV