Xem các video với nội dung hài hước, màu sắc trên YouTube là sở thích của không ít trẻ em. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không biết rằng đây chính là một con dao hai lưỡi cực kì nguy hiểm.
Nhiều trường hợp gia đình phải nhận cái kết đắng khi những đứa trẻ của họ bắt chước các clip trên mạng và tự gây ra những tổn thương cho chính cơ thể mình.
Theo các chuyên gia, để cho con cái tùy ý lựa chọn xem những đoạn video trên YouTube cũng là nguyên nhân sâu xa gây nhiều vụ tự tử, học làm theo các trò mạo hiểm và tâm lý bạo lực của trẻ nhỏ.
Mới đây, một trường hợp cấp cứu do học theo clip dạy trên mạng là lời cảnh báo cho các vị phụ huynh cho con cái tự do xem YouTube.
Trao đổi với Zing.vn ngày 29/11, Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp một bé trai nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi cố học theo một clip dạy treo cổ trên YouTube.
Người nhà cho biết phát hiện bé dùng khăn quàng treo cổ trên dây phơi đồ, cách mặt đất 20cm. Được phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái hôn mê và được đưa đến 1 phòng khám gần nhà để sơ cứu sau đó chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2.
Khi đến bệnh viện, bệnh nhi trong tình trạng chấm xuất huyết 2 mắt, điểm tri giác còn 3-4/15. Các bác sĩ đã tiến hành cho bé thở mát, chống phù não và dùng thuốc kháng sinh.
Qua 7 giờ thở máy, bệnh nhi tỉnh lại và xuất viện sau 1 tuần điều trị tích cực. Hiện sức khỏe của bé đã dần ổn định.
Báo Vietnamnet bổ sung thêm thông tin, gia đình bệnh nhi cho biết thường ngày, bé hay tự cầm điện thoại xem YouTube để không nghịch phá. Tuy nhiên, bố mẹ em cũng không kiểm soát được nội dung mà bé xem hàng ngày trên kênh YouTube.
Trước đó, theo báo Tuổi Trẻ, bệnh viện cũng từng tiếp nhận một cháu bé bắt chước hành động của siêu nhân nhện mà cháu đã xem. Cháu đã đập tay thật mạnh vào kính làm tay bị đứt mạch máu.
YouTube có những chính sách nghiêm ngặt về việc quản lý các nội dung video chia sẻ trên trang web này. Theo thống kê, ít nhất 2 triệu video và 50.000 kênh không phù hợp với trẻ em đã bị YouTube xóa từ tháng 11/2017 đến nay. Bên cạnh đó, họ cũng phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo riêng để hỗ trợ việc phát hiện và thanh lọc các video có nội dung đen tối.
Tuy nhiên, vì số lượng video được đưa lên quá lớn nên những hành động của YouTube chưa đem lại được kết quả rõ ràng. Có khá nhiều người dùng tìm cách lách luật để đăng tải nhiều video có nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ.
Thậm chí, YouTube Kids là ứng dụng dành riêng cho trẻ em nhưng cũng bỏ sót hàng loạt video phản cảm, bạo lực, khiêu dâm,…
Vào tháng 2/2019, YouTube đã bị rung chuyển bởi một video tài liệu về cách những kẻ ấu dâm sử dụng các bình luận về video của trẻ em để hướng dẫn những kẻ săn mồi khác.
Như một lẽ tất nhiên, nhiều thương hiệu có tiếng đã tuyên bố tẩy chay YouTube, họ sẽ vô hiệu hóa nhận xét về hầu hết các video có trẻ em dưới 13 tuổi.
Do đó, vào tháng 3/2019, YouTube đã chấp nhận nộp 150 đến 200 triệu USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) do thu thập dữ liệu trẻ em trái phép.
FTC có thẩm quyền áp dụng án phạt hàng chục tỷ USD đối với Google để răn đe và ngăn cản Google hoặc các công ty khác tiếp tục vi phạm trong tương lai.
Đối với trẻ em, việc sử dụng các thiết bị điện tử thông minh thường xuyên sẽ khiến tâm lý của trẻ bất bình thường, hung hãn và dần vô cảm với thế giới xung quanh. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể có hành vi làm theo các hành động bạo lực, gây tổn thương đến cơ thể trẻ.
Ngoài ra, việc xem YouTube thời gian dài có thể khiến trẻ mắc hội chứng TIC (Hội chứng rối loạn máy cơ mặt) là tình trạng co thắt không kiểm soát ở mặt như mắt nhấp nháy hoặc nhăn mũi.
Hội chứng có thể trở thành tật trong não, không có thuốc chữa mà chỉ có thể chữa trị thông qua cách cải thiện thói quen xấu của trẻ.
Minh Anh (Tổng hợp)