Buổi đối thoại diễn ra dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ; ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về ATVSLĐ; ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn Lao động. Tham dự hội nghị còn có Bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Thanh cho biết, đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn. Sau 5 lần tổ chức đối thoại từ năm 2017 đến năm 2021, ở cấp quốc gia, nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ở cấp tỉnh đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động. Theo bà Ingrid Christensen, đối thoại xã hội đề cập đến tất cả loại hình thương thuyết, tham vấn và trao đổi thông tin giữa đại diện người lao động, giới chủ và chính phủ cũng như các chủ thể liên quan về các vấn đề quan ngại chung.
“Đối thoại xã hội từ lâu đã là một công cụ rất đắc lực và được ghi nhận rõ ràng trong lĩnh vực an toàn và sức khoẻ nơi làm việc” - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết.
Tại buổi đối thoại, Hội đồng đã trao đổi, đối thoại về nhiều nhóm ý kiến: Quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; nhóm ý kiến về quản lý công tác huấn luyện ATVSLĐ; nhóm ý kiến về chế độ, chính sách ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; lĩnh vực khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động; lĩnh vực quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động…
Qua lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét, tiếp thu để điều chỉnh, bổ sung những quy định chưa phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Sau đối thoại năm 2021, các thành viên Hội đồng tích cực tư vấn cho Chính phủ, Bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Nghị quyết, 02 Quyết định về chính sách nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, 07 Thông tư; Bộ Y tế: 01 Thông tư; Bộ Xây dựng: 02 Nghị định, 01 Thông tư; Bộ Công Thương: 07 Thông tư…).
Qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động. Đây cũng là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới về an toàn, vệ sinh lao động (ngày 28 tháng 4) và là một trong những điểm nhấn trong Tháng hành động quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống dịch COVID-19; tham gia ý kiến với Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH và các cơ quan khác góp ý các văn bản về hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19, chính sách cho các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19; đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện lao động, tiêu chuẩn quốc gia về quần áo cho lao động... Tổng LĐLĐVN đã xây dựng báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật An toàn vệ sinh lao động trong hệ thống Công đoàn gửi Bộ LĐTBXH…
Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia trong phiên họp thường kỳ sắp tới.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia đối thoại cùng với các bộ giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại địa phương và sớm tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động tổ chức đối thoại ở địa phương để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật./.
Hà Anh