Hội Luật gia An Giang: Phòng ngừa là “chìa khóa” chống nạn mua bán người

Hội Luật gia An Giang: Phòng ngừa là “chìa khóa” chống nạn mua bán người

Thứ 3, 27/05/2025 15:49

Ngày 27/5, Hội Luật gia tỉnh An Giang phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh An Giang, các sở, ban ngành liên quan tổ chức tọa đàm Thực trạng và giải pháp phòng, chống mua bán người.

Duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình phòng, chống mua bán người

Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Viện KSND, TAND, Công an tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trường đại học An Giang.

Luật gia Cao Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh An Giang nhấn mạnh: mua bán người là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất do Liên Hợp Quốc xếp loại, trực tiếp xâm hại đến quyền sống, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của con người.

Tọa đàm là dịp để các bên trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người tại An Giang thời gian tới.

Hội Luật gia An Giang: Phòng ngừa là “chìa khóa” chống nạn mua bán người- Ảnh 1.

Luật gia Cao Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh An Giang (giữa) cùng đại diện Bộ đội Biên Phòng, TAND, Sở Tư pháp, Công an tỉnh An Giang tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Thanh Lâm).

Đại diện Công an tỉnh An Giang cho biết, từ ngày 15/12/2023 đến 14/3/2025, trên địa bàn chưa ghi nhận vụ án mua bán người, chủ yếu xử lý các hành vi liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép.

Trong thời gian này, cơ quan an ninh điều tra đã thụ lý, chuyển Viện KSND truy tố 6 vụ với 9 bị can; phối hợp với Bộ đội Biên phòng phát hiện 89 vụ, 158 đối tượng vi phạm, xử phạt hành chính 124 người với tổng số tiền gần 370 triệu đồng.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng xác minh 2 trường hợp nghi là nạn nhân mua bán người và tiếp nhận 16 công dân Việt Nam lao động trái phép tại Campuchia được trao trả qua Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).

Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì hiệu quả các mô hình phòng, chống mua bán người ở cộng đồng; đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương giáp biên Campuchia để trao đổi thông tin, điều tra, truy bắt tội phạm và hỗ trợ nạn nhân trở về.

Tiềm ẩn yếu tố phức tạp của tội phạm mua bán người

Đại tá Nguyễn Tuấn Mạnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, cho biết đơn vị hiện quản lý gần 100km đường biên giới giáp hai tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia), với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở.

Mặc dù tình hình an ninh biên giới cơ bản ổn định, tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn phức tạp. Đối diện bên kia biên giới là các casino, trường gà, nhà hàng... thường xuyên tuyển dụng lao động Việt Nam.

Trong nước, các cơ sở vui chơi, massage, nhà trọ cũng tạo điều kiện để các đối tượng lợi dụng dụ dỗ phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên nhẹ dạ sang Campuchia hoặc nước thứ ba với lời hứa việc nhẹ, lương cao – nhưng thực chất là để bóc lột sức lao động, tình dục, lừa đảo trực tuyến, mua bán nội tạng, cưỡng ép kết hôn...

Các đối tượng phạm tội hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, liên kết xuyên biên giới. Chúng sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để tiếp cận, tuyển dụng giả danh, dụ dỗ người dân tự nguyện đi làm, sau đó tổ chức xuất cảnh hợp pháp hoặc trái phép sang Campuchia.

Khi qua lại biên giới chúng thường thống nhất giữa kẻ chủ mưu và người bị hại về lời khai nhằm đối phó khi bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ; nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau khi sang Campuchia, nhiều người bị buộc ký hợp đồng lao động và được huấn luyện để lôi kéo khách tham gia đánh bạc online, lừa đảo trực tuyến.

Họ bị ép làm việc 12–14 giờ mỗi ngày, không được ra ngoài. Mọi chi phí sinh hoạt do công ty chi trả nhưng sẽ bị trừ vào lương.

Nếu không đạt chỉ tiêu, làm việc kém hiệu quả hoặc từ chối làm việc, họ bị đánh đập, buộc ký khống giấy nợ và đòi bồi thường hợp đồng từ 5.000–12.000 USD để được thả.

Nếu không trả, họ sẽ bị bán sang công ty khác do người Trung Quốc làm chủ.

Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia liên quan để đấu tranh hiệu quả với nạn mua bán người. Nạn nhân phải được xem là trung tâm trong mọi hoạt động giải cứu, tiếp nhận, xác minh, chuyển tuyến và hỗ trợ hồi hương.

Hội Luật gia An Giang: Phòng ngừa là “chìa khóa” chống nạn mua bán người- Ảnh 2.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thanh Lâm).

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, giai đoạn 2020–2025, đơn vị đã tiếp nhận 2 vụ với 5 nạn nhân bị mua bán và 3 đợt trao trả từ phía Campuchia gồm 111 công dân Việt Nam có dấu hiệu bị mua bán. Các trường hợp này đã được tiếp nhận, điều tra, khảo sát và bàn giao cho Công an tỉnh An Giang để tiếp tục làm rõ.

Trong công tác chống xuất nhập cảnh trái phép, lực lượng biên phòng đã phát hiện, xử lý 924 vụ với 1.478 đối tượng. Trong đó, điều tra, khởi tố 5 vụ với 9 đối tượng về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép” và chuyển hồ sơ cho cơ quan an ninh điều tra xử lý.

Một vụ điển hình là ngày 18/8/2022, tại Chốt quản lý biên giới số 21 (Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình), lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 40 người nhập cảnh trái phép và xử lý hành chính theo quy định.

Tuy nhiên, công tác hỗ trợ nạn nhân vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người còn hạn chế. Nhiều nạn nhân trở về không dám khai báo hoặc e ngại thừa nhận mình là nạn nhân, gây khó khăn cho quá trình điều tra và thu thập chứng cứ.

Tại tọa đàm, đại diện Hội Luật gia, Hội Phụ nữ, TAND, Viện KSND, Trường Đại học An Giang và sinh viên đã đề xuất nhiều giải pháp nhận diện, phòng tránh tội phạm mua bán người.

Phát biểu kết thúc, Luật gia Cao Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh An Giang khẳng định: phòng ngừa là giải pháp bền vững nhất. Ông nhấn mạnh, buổi tọa đàm không chỉ là dịp chia sẻ kinh nghiệm mà còn thể hiện cam kết bảo vệ quyền con người, đặc biệt là nhóm yếu thế.

Ông cho rằng công tác phòng, chống mua bán người cần sự phối hợp đồng bộ, pháp luật phải đóng vai trò nòng cốt. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện chính sách, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý và tạo điều kiện cho nạn nhân tái hòa nhập, ổn định cuộc sống.

Phát hiện tố giác tội phạm

Trước thực trạng trên, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, nhất là phương thức, thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ, rủ rê lôi kéo của bọn tội phạm mua bán người và các loại tội phạm khác, tập trung cho những người trong độ tuổi là trẻ em và phụ nữ, những hộ nghèo, những người thường xuyên qua lại biên giới làm ăn buôn bán đề người dân cảnh giác, tự bảo vệ mình và phát hiện tố giác tội phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn trong trao đổi thông tin, tình hình có liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người. Đồng thời, làm tốt công tác phòng ngừa, đầu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, kiên quyết không để hình thành các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự ở khu vực biên giới.

Thanh Lâm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.