Như thông báo trước đó của Sở GD&ĐT Hà Nội ngày 14/02, thành phố sẽ tổ chức cho học sinh lớp 12 thi thử THPT quốc gia. Theo đó, mỗi học sinh làm 4 bài kiểm tra: 3 bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và một bài kiểm tra tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Học sinh theo chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 bài, trong đó 2 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các bài còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Đối với các môn Ngoại ngữ khác: Hiệu trưởng các trường THPT căn cứ vào tình hình thực tế của trường, giao cho giáo viên bộ môn tiến hành kiểm tra khảo sát đảm bảo phù hợp với nội dung hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT ra đề kiểm tra khảo sát theo nội dung chương trình quy định, bám sát cấu trúc, mức độ đề thi của kỳ thi THPT quốc gia. Phạm vi kiến thức kiểm tra khảo sát theo Kế hoạch dạy học tính đến hết ngày 11/3/2017.
Mặt khác, Sở GD&ĐT Hà Nội không bắt buộc phải lấy điểm kiểm tra khảo sát. Tùy theo điều kiện của từng trường, trung tâm có thể sử dụng kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên; tuyệt đối không được lấy vào điểm kiểm tra định kỳ theo quy định.
Sở GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện sao in đề, coi, chấm kiểm tra khảo sát tại các cụm trường THPT; tổ chức chấm thẩm định xác suất một số cụm trường THPT.
Trao đổi với PV, một vị lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tiết lộ, kết quả khảo sát sẽ có phân tích đánh giá số liệu gửi về các nhà trường. Trên cơ sở đó sẽ lấy căn cứ để so sánh các trường trong cụm, so sánh các lớp với nhau trong trường để thêm kênh thông tin giúp các nhà trường, cha mẹ học sinh, đặc biệt các thầy cô giáo giảng dạy thấy được chất lượng đào tạo của mình.
Nhật Lâm