Hôm nay (4/8), tại Hội nghị Tự chủ đại học 2022, đại diện Bộ GD&ĐT đã báo cáo những kết quả đạt được trong triển khai chính sách tự chủ giai đoạn 2015-2021.
Hiện nay, cả nước có tổng cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ. Các trường chưa đủ điều kiện tự chủ với lý do chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học chiếm 18,53%, chưa thành lập hội đồng trường chiếm 7,5%, và chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác.
Hơn 1.000 ngành đào tạo được mở
Đối với tuyển sinh đại học chính quy, chỉ tiêu hằng năm tăng nhẹ, trong 3 năm tăng từ 83,46% tăng lên 97,80%.
Bộ GD&ĐT đánh giá rằng tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút được sinh viên giỏi; thúc đẩy các trường ngày càng đi vào thực chất hơn với chất lượng đào tạo, phát triển bền vững.
Số liệu thống kê cho thấy, quy mô tuyển sinh hệ đại trà có xu hướng giảm và thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.
Từ đầu năm 2018 đến 12/2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, trong đó đã có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới như: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing...
Có thể thấy năm 2019 - 2021 các trường có nhiều phương thức để thực hiện tuyển sinh hiệu quả. Các trường thực hiện tuyển sinh trên cơ sở ba nguyên tắc cơ bản công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch đối với xã hội.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các trường tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh và công khai, học sinh và phụ huynh tiếp cận đầy đủ thông tin tuyển sinh; các bên liên quan và xã hội giám sát ở các khâu từ xác định chỉ tiêu đến xác định điểm trúng tuyển, phương án cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên để xét tuyển.
Đồng thời, các trường được tuyển sinh nhiều đợt trong năm để đảm bảo sự linh hoạt cho các trường và tạo điều kiện cho thí sinh được lựa chọn đúng ngành nghề yêu thích.
Hàng năm sau đợt tuyển sinh đại học đợt 1 sử dụng kết quả thi THPT quốc gia (năm 2015-2019), thi THPT (năm 2020, 2021), trung bình có trên 70% các trường tuyển sinh được trên 70% chỉ tiêu đã xác định.
Đảm bảo chi thường xuyên
Về mức độ tự chủ tài chính, đến thời điểm hiện tại 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%.
Tỉ lệ các trường hiện đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác là rất thấp (chiếm 3,45%).
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 1/3 số lượng các trường đại học công lập trong hệ thống bảo đảm một phần chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác.
Bên cạnh đó, 36 trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT đã có 11 trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư, tự đảm bảo chi thường xuyên (và 25 trường tự bảo đảm một phần chi thường xuyên)
Qua thống kê số liệu quyết toán giai đoạn 2016-2021 của Bộ GD&ĐT, về cơ bản nguồn thu chi cho con người (bao gồm cả chi thu nhập tăng thêm và chi vượt giờ) chiếm tỉ trọng trên 50% trên tổng chi sự nghiệp giáo dục đào tạo đại học và sau đại học; chi đầu tư cơ sở vật chất chiếm tỷ trọng 7%.
Chi chế độ cho học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng khoảng 4%, chi trích lập các quỹ chiếm tỷ trọng 10%; chi đào tạo khác chiếm tỷ trọng khoảng 25-26% tổng chi.
Nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (tiền lương, tiền công, tiền làm thêm giờ, phụ cấp theo chế độ), chiếm tới 73%. Đồng thời, có 232 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi tổ chức kiểm định nước ngoài.
Cũng tại hội nghị, đánh giá về những khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động, vì vậy trong quá trình triển khai, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, và đó cũng là điều khó tránh khỏi”.
Có những vướng mắc do hệ thống các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán. Khó khăn vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ.