Hơn 94.000 tỷ đồng - Bộ GTVT làm sao để giải ngân hết trong năm 2023?

Hơn 94.000 tỷ đồng - Bộ GTVT làm sao để giải ngân hết trong năm 2023?

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 4, 01/02/2023 19:30

Năm 2023, tổng số vốn Chính phủ giao cho Bộ GTVT giải ngân là 94.161 tỷ đồng - số vốn cao kỷ lục, gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021.

Ngày 1/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp với các cơ quan đơn vị của Bộ, các Ban QLDA, các Chủ đầu tư về triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Bộ GTVT.

Khối lượng giải ngân “khổng lồ” trong năm 2023

Theo báo cáo của ông Bùi Quang Thái - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, kết quả giải ngân năm 2022 của Bộ GTVT đạt 96,2 %, bảo đảm mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cao hơn mức bình quân cả nước (trung bình cả nước đạt tỷ lệ khoảng 92,7%) và gấp 1,3 lần giá trị giải ngân của Bộ năm 2021 (năm 2021, Bộ giải ngân 40.300 tỷ đồng, đạt 93,7%).

Trong đó kết quả giải ngân nguồn vốn ODA của Bộ GTVT cũng là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể của cả nước, đạt 92,4% so với 42,47% của cả nước.

Về tình hình giao chi tiết kế hoạch vốn 2023, tổng số kế hoạch vốn Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao là 94.161 tỷ đồng.

Đến nay, Bộ GTVT đã kịp thời giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục với tổng số 94.135/94.161 tỷ đồng (đạt 99,97%). Còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương do không có kế hoạch trung hạn, không bảo đảm điều kiện giao kế hoạch năm nên chưa thể phân bổ chi tiết và cần báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn thủ tục phân bổ kế hoạch; để giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ rất khó khăn.

Với quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công của Bộ ở mức cao nhất, Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị 02 đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Kinh tế vĩ mô - Hơn 94.000 tỷ đồng - Bộ GTVT làm sao để giải ngân hết trong năm 2023?

Với kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng, bình quân khối lượng giải ngân hàng tháng của Bộ GTVT là gần 8.000 tỷ đồng.

Báo cáo thêm tại cuộc họp, quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Lê Quyết Tiến cho biết năm 2023 dự kiến khởi công 24 dự án, hoàn thành 29 dự án.

Trong đó phải tập trung hoàn thành 7 Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Gi ây và Cầu Mỹ Thuận 2) và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đẩy nhanh tiến độ 2 Dự án thành phần hoàn thành trong năm 2024 và 12 Dự án thành phần thuộc giai đoạn 2021 - 2025;

Ngoài ra cũng cần tập trung chỉ đạo các Dư án Cầu Rạch Miễu 2, Dự án tuyến tránh QL1A, tỉnh Cà Mau, Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A qua tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, 7 Dự án sử dụng vốn ODA, 3 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách; cũng như một số Dự án giao cho các địa phương là Chủ đầu tư…

Bên cạnh đó, khẩn trương phê duyệt Dự án đầu tư các Dự án đường Hồ Chí Minh; tập trung phối hợp, hỗ trợ các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục, tháo gỡ mọi khó khăn để khởi công các Dự án cao tốc thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế…

“4 nguyên tắc” đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết năm 2023, tổng số vốn Chính phủ giao cho Bộ GTVT là 94.161 tỷ đồng (Bộ GTVT đăng ký số vốn 72.000 tỷ đồng, Chính phủ giao thêm hơn 22.000 tỷ đồng, số vốn cao gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021), tính bình quân mỗi tháng phải giải ngân 8.000 tỷ đồng, một con số “khổng lồ”; nên tháng nào không đạt được thì gây áp lực bù vào những tháng tiếp theo.

Nhận thức đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh lãnh đạo Bộ thực sự sốt ruột và lo lắng nếu tất cả các cơ quan đơn vị, cá nhân liên quan không thực sự nỗ lực, có giải pháp hiệu quả, cách làm và tư duy đột phá. Theo đó, để đảm bảo tiến độ công tác giải ngân, Bộ trưởng nêu 4 nguyên tắc.

Thứ nhất, các dự án mới phải phấn đấu khởi công càng sớm càng tốt.

Thứ hai, công tác GPMB phải càng nhanh càng tốt. Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, không phải thời gian được Chính phủ ấn định là quý 2/2023 địa phương phải bàn giao toàn bộ; tuy nhiên Chủ đầu tư/Ban QLDA phải xác định tư tưởng và hành động một cách quyết liệt, chủ động bám sát, phối hợp, hỗ trợ địa phương để hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất đảm bảo sớm khởi công, tăng tốc thi công dự án.  

Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Năm nay ngành GTVT không thiếu tiền, chủ đầu tư/ban QLDA đẩy nhanh bao nhiêu sẽ được bố trí đủ tiền bằng đó. Phải tập trung làm cuốn chiếu để giải ngân được nhiều nhất, muốn như vậy phải sẵn sàng kế hoạch, con người thiết bị đầy đủ.

Kinh tế vĩ mô - Hơn 94.000 tỷ đồng - Bộ GTVT làm sao để giải ngân hết trong năm 2023? (Hình 2).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp. 

“Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tức là có thể triển khai song song nhiều việc, ví dụ như vừa thiết kế bản vẽ thi công, vừa thi công trên cơ sở từng phần bản vẽ được duyệt, vừa xây dựng phương án mua vật liệu ở các mỏ thương mại để đảm bảo vật liệu thi công trong thời gian đầu, vừa đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép mỏ vật liệu mới,…”, Bộ trưởng nêu và yêu cầu tất cả các nguyên tắc phải thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tất cả phải bắt tay vào việc ngay. Các đơn vị được giao vốn đầu tư công, phải quyết tâm, tập trung tổ chức thực hiện. Các Dự án đang triển khai thì tập trung thi công, quyết toán, nghiệm thu. Các dự án chuẩn bị đầu tư thì phải tập trung để hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công. Với vốn lớn phải rất chủ động xây dựng được kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành.

Tất cả chủ đầu tư, Ban QLDA phải nhận diện những khó khăn, vướng mắc để chủ động xử lý; những việc vượt thẩm quyền phải khẩn trương, báo cáo kịp thời.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng là đầu mối tiếp nhận mọi thông tin, khó khăn vướng mắc và tham mưu cho lãnh đạo giải pháp giải quyết. 

Các Thứ trưởng phụ trách Dự án, phải bố trí thời gian đôn đốc, duy trì chế độ giao ban thường xuyên, linh hoạt, làm việc với các địa phương để tháo gỡ tại chỗ các khó khăn vướng mắc một cách nhanh nhất có thể. Tư vấn thiết kê, tư vấn giám sát phải thực hiện đảm bảo trách nhiệm đúng hợp đồng đã ký, đảm bảo tiến độ nghiệm thu, hoàn tất thủ tục thanh toán cho nhà thầu.

Rút kinh nghiệm từ các Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 bị chậm tiến độ, Bộ trưởng yêu cầu các Ban QLDA vừa là Chủ đầu tư phải chủ động, kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu vi phạm hợp đồng theo các quy định cũng như hợp đồng đã ký kết.

Những nhà thầu nào không đạt yêu cầu phải có chế tài và xử lý ngay. Trách nhiệm cao nhất của các Ban QLDA/chủ đầu tư, nếu không làm được thì các lãnh đạo Ban phải chịu trách nhiệm cao nhất trước lãnh đạo Bộ.

Các chủ đầu tư nghiên cứu để có phương thức quản lý mới hơn, hiệu quả hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát các dự án, đảm bảo thi công nhanh nhất, nhiều nhất, chất lượng nhất, an toàn nhất có thể.

Tất cả những khó khăn, vướng mắc của Ban QLDA, không nhất thiết phải chờ họp mà phải báo cáo ngay; Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực; đồng thời chăm lo đời sống cho anh nhân lao động, đảm bảo an toàn lao động.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.