Trao đổi với báo chí về dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD-ĐT cho biết, sắp tới, các trường đại học sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo hệ chính quy sẽ giống như hệ tại chức.
Theo dự thảo luật Giáo dục đại học sửa đổi mới, hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại trên cơ sở cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra của 2 hình thức đào tạo.
Liên quan đến ý tưởng hợp nhất bằng chính quy-tại chức của bộ GD-ĐT, trao đổi với PV Người Đưa Tin, GS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, trước đây bằng tại chức có giá trị tương đương với chính quy, việc đào tạo khá bài bản, chất lượng đào tạo không “lôm côm” như hiện nay.
GS Bùi Văn Nhơn dẫn chứng, những năm 1970, ông từng tham gia đào tạo các lớp tiến sĩ và có nhiều người giữ vị trí quan trọng của cơ quan nhà nước. Những người này đều học tại chức, họ được đào tạo bài bản, thi cử rất chặt chẽ và việc ghi hình thức đào tạo trên văn bằng không phải là rào cản đối với họ khi đi xin việc.
Thế nhưng hiện nay, do ảnh hưởng cơ chế thị trường, hình thức đào tạo “mở tung” hết, chủ trương mở rộng các hình thức đào tạo không tính đến nhu cầu thực tế của xã hội (hệ mở rộng, tại chức, liên thông”… đã dẫn đến hệ lụy lớn nguồn nhân lực "sính" bằng cấp. Việc hợp nhất bằng chính quy - tại chức trong bối cảnh này càng khiến nhiều người chỉ quan tâm làm mọi cách sở hữu một tấm bằng để thuận lợi khi xin việc.
“Quản lý nhà nước yếu kém nên không quản lý được chất lượng, cụ thể là điều kiện để đào tạo. Đào tạo tại chức vô tội vạ, không đúng ngành nghề, các cơ sở đào tạo chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền, thương mại hóa đào tạo. Thế nên, việc không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các khâu đào tạo chặt chẽ như hệ chính quy”, GS.Bùi Văn Nhơn nói.
Theo quan điểm của GS Bùi Văn Nhơn, thời gian qua đào tạo hệ tại chức quá dễ dãi. “Cứ có hội trường, hợp đồng là lớp tại chức được mở ra ngay tại địa phương có nhu cầu đào tạo tại chức. Các cơ sở đào tạo chạy theo thị trường dẫn đến chất lượng đào tạo rất thấp. Cho nên, có một thời gian nhiều doanh nghiệp, một số cơ quan nhà nước không nhận sinh viên hệ tại chức vào làm việc” - GS Nhơn thẳng thắn chia sẻ.
Cũng theo GSBùi Văn Nhơn, việc bộ GD-ĐT lấy ý kiến về việc chỉ còn hệ đào tạo tập trung và không tập trung, đồng thời không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng trong bối cảnh hiện nay là chưa thỏa đáng. Bởi thực tế, hình thức đào tạo còn có khoảng cách về chất lượng. Nếu không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng thì chúng ta phải đảm bảo chất lượng đào tạo ngang bằng nhau, sự giám sát của cơ quan quản lý phải chặt chẽ chứ không thể “buông” như thời gian qua.
“Tôi cũng xin nói thẳng, nhiều người lợi dụng việc học hệ tại chức để “tráng” bằng cấp. Có không ít cán bộ, công chức lao vào học hệ tại chức để kiếm tấm bằng đại học và dường như chúng ta chạy theo phong trào đại học hóa. Nhìn bề nổi, tôi vẫn nói vui, xét về trình độ, công chức Việt Nam có lẽ tốt nhất thế giới (từ anh bảo vệ đến nhân viên văn phòng, cán bộ đều có bằng đại học-PV).
Tôi có một học sinh làm trưởng phòng tổ chức của một trường đại học tại Hà Nội và từng than thở với tôi rằng, nhân viên, trợ lý văn phòng khoa đều có bằng tại chức nên anh đau đầu khi họ đề xuất một công việc khác phù hợp với tấm bằng đại học.
Câu chuyện này cho thấy bức tranh khôi hài về sử dụng lao động. Sự phân công lao động không phân biệt được trình độ, bằng cấp cụ thể. Hợp nhất bằng chính quy-tại chức sẽ vô cùng nguy hiểm và làm xấu bộ mặt nguồn nhân lực của nước ta. Thực trạng này cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua và đáng lo lắng”, GS Nhơn nhấn mạnh.