Vài năm trở lại đây, khi chuột đã là món đặc sản thì người dân các huyện vùng chiêm trũng Hà Nam lên cơn sốt săn lùng chuột đồng để ăn hoặc làm thịt đem bán. Loài động vật sinh sản nhanh “họ nhà tí” chuyên phá hoại mùa màng này đã trở thành món ăn khoái khẩu của dân nhậu. Không ít vùng quê coi đây là một nghề “hái” ra tiền.
Đến cánh đồng ở xã Kim Bình, huyện Kim Bảng xuất hiện hàng chục người đang lúi húi bắt chuột. Thấy chuột trong hang chạy vùng ra phi tõm xuống nước hòng trốn thoát nhưng đội quân của “Hùng chuột” (26 tuổi) quyết đuổi theo bắt gọn. Tóm chú chuột béo mũm mĩm trên tay “Hùng chuột” cho biết, sở dĩ có cái tên này bởi tuổi nghề gần ngót tuổi đời.
Là người ở huyện Thanh Trì, Hà Nội nhưng nhóm của “Hùng chuột” phi xe máy cả chục cây số xuống các cánh đồng ở Hà Nam để săn chuột đồng. “Ở quê tôi cả làng theo nghề bắt chuột đồng nên hàng rất khan hiếm phải đi các nơi mới có nhiều chuột để bắt”, Hùng lý giải.
Dụng cụ bắt chuột khá đơn giản, thường là cuốc, thuổng, rọ, bao tảỉ để đựng chuột. Với kinh nghiêm bắt chuột có thâm niên cả gần chục năm “Hùng chuột” bật bí: “Để bắt được nhiều chuột mà ít tốn công sức thì phải tìm chỗ nào mà người dân vừa gặt xong là hay nhất, vì những ruộng lúa cuối cùng bao giờ cũng có rất nhiều chuột tập trung về phá lúa. Không cần đào phá nhiều, cả đội chỉ cần khoét một hố nhỏ rồi chờ thời cơ đến là bắt được cả yến”.
Cũng có thâm niên bắt chuột lâu năm, cứ mỗi khi quê bước vào vụ gặt là Dũng (23 tuổi, quê ở huyện Lý Nhân) lại tạm nghỉ việc thợ xây ở thành phố để về quê “hành nghề” bắt chuột. Dũng cho biết: “Chuột đồng bây giờ thành đặc sản, có giá cao nên mỗi ngày bắt được vài ba cân rất đơn giản, bỏ túi cả trăm nghìn mà ít vất vả”.
Thịt chuột vài năm trở lại đây trở thành đặc sản đồng quê nên có giá khá cao, mỗi cân chuột sống bán ra với giá từ 50 - 60 nghìn đồng/kg, còn chuột được làm sẵn có giá từ 80 – 100 nghìn/kg. Chính vì thế nên rất nhiều người sắm đồ nghề lùng sục khắp các cánh đồng để săn chuột.
Dũng kể: “Giờ cả làng đi săn chuột, có người săn để ăn nhậu, có người săn để bán nên chuột cũng hiếm dần. Nếu không tinh sẽ khó phát hiện được ổ lớn. Vừa tốn sức lại không hiệu quả”.
Dũng cẩn thận vạch những lùm cỏ nhìn những vết chân chuột ở miệng lỗ. Vết chân phải mới, to mới chứng tỏ có chuột còn ra vào. Cả nhóm bắt đầu khoét hố, đắp cao miệng lỗ chặn một đầu còn đầu kia đổ nước. Ngạt nước, từng con chuột bắt đầu thò đầu ra khỏi hang thì bị đội quân vồ bắt gọn.
Dũng cho biết: “Hôm nào ăn may tìm được hố bắt được hơn 30 con chuột trong một hang. Mỗi ngày cũng bắt được 30 – 40 kg”. Khi chuột bị săn gần hết, các đội quân săn chuột đồng lại đi các cánh đồng ở các huyện lân cận bắt chuột cho đến khi cánh đồng chuẩn bị bước vào vụ cấy.
“Hùng chuột” nhoẻn miệng cười rồi kể thêm: “Kỷ lục của chúng tôi có hôm bắt được hơn 90 kg chuột, về anh em mỗi người đút túi cả triệu đồng, đuổi chuột nhiều khi bở hơi tai nhưng đó như một niềm vui và có thêm thu nhập cao”.
Với các kiểu săn bắt chuột ngày càng đa dạng cùng đội quân thợ săn hùng hậu nên mỗi ngày có hàng tạ chuột ở các cánh đồng ở tỉnh Hà Nam nhập cho các quán nhậu hay bán cho các thương lái gom hàng đi các tỉnh.
Nghề săn chuột đồng hiện nay đang được xem như một nghề kiếm ra tiền của người dân tỉnh Hà Nam. Vừa có thêm thu nhập lúc nông nhàn, lại vừa góp phần tiêu diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Song việc săn chuột cũng khiến cho nhiều bờ ruộng, bờ mương bị đào bới tan nát.
Văn Định