Ngày 4/1, tin từ sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, vào ngày 28/10/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có Công văn số 7921/UBND-XTĐT thống nhất chủ trương cho phép công ty Cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26 và 28 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP.Huế theo đề xuất của sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, trong nội dung công văn nêu rõ, đề nghị công ty CP Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện các thủ tục nghiên cứu, lập dự án đầu tư, báo cáo UBND tỉnh.
Hiện nay, tại các khu đất nêu trên đang có một số doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư, do đó, sau khi các doanh nghiệp có phương án đề xuất cụ thể, UBND tỉnh sẽ xem xét, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, phương án đầu tư phù hợp với vị trí khu đất, định hướng của tỉnh và theo quy định của pháp luật.
Công văn cũng nêu giao sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, làm đầu mối phối hợp với UBND TP.Huế, sở Xây dựng, sở Tài chính, sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp các thông tin liên quan về chỉ tiêu quy hoạch của khu đất, quy hoạch hai bên bờ sông Hương và các quy hoạch liên quan; xác định sơ bộ giá đền bù cho nhà đầu tư làm cơ sở nghiên cứu lập dự án; hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo đúng quy định; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Trong 2 khu đất trên, khu đất 26 Lê Lợi hiện là trụ sở của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thừa Thiên- Huế. Vì vậy, trước những thông tin trên, nhiều văn nghệ sĩ ở Huế cảm thấy rất lo lắng khi trụ sở của Liên hiệp các hội VHNT tỉnh là một trong những biệt thự cổ kiến trúc Pháp có giá trị lớn về mặt mỹ thuật và là nơi mà họ đã gắn bó từ lâu nay, đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ để các công ty, doanh nghiệp đầu tư làm dự án khách sạn.
Trao đổi với PV, nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch hội VHNT tỉnh, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, ông không đồng tình với dự án này. Hiện, ông đang làm văn bản phản đối việc tỉnh giao khu đất 26 Lê Lợi cho doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại.
“Với tôi và chắc chắn là với rất nhiều văn nghệ sĩ tâm huyết khác trong cả nước, ngôi nhà số 26 đường Lê Lợi, TP.Huế đã thành một mái ấm của đại gia đình văn nghệ sĩ. Một mái ấm mà giới văn nghệ sĩ đã hình thành, chắt chiu từng ánh lửa ban đầu khi đất nước vừa mới hoàn toàn thống nhất”, ông Quê nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, gần đây, tỉnh đã có ý tưởng xây dựng tuyến đường Lê Lợi thành khu phố du lịch gắn với bảo tàng và các thiết chế VHNT. Tỉnh cũng đã chuyển nhà lưu niệm Điềm Phùng Thị về cạnh trung tâm Lê Bá Đảng, chuẩn bị thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế. “Tôi thấy rằng, việc tỉnh có chủ trương thu hồi khu đất để chuyển đổi mục đích cho đầu tư phát triển là hợp lý, bởi sẽ giúp tỉnh phát triển du lịch, dịch vụ. Theo đó, văn phòng của Liên hiệp các hội VHNT tỉnh sẵn sàng chuyển đến nơi khác làm việc”, ông Ngọc nói.
Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng nêu quan điểm, ngôi nhà 26 Lê Lợi cần được giữ lại theo hướng bảo tồn thích nghi. Bởi theo ông có 2 lý do: Thứ nhất, về giá trị vật thể, ngôi nhà này quá đẹp, nằm trong số những biệt thự kiến trúc Pháp có giá trị di sản; thứ hai, trụ sở hội là di sản trong lĩnh vực VHNT không chỉ ở TP.Huế mà còn trên cả nước, gắn bó với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ lớn.
Ông Ngọc chia sẻ thêm, UBND tỉnh nên gợi ý cho nhà đầu tư trùng tu giữ lại ngôi nhà để phát huy kiến trúc và di sản văn hóa của một xứ sở được mệnh danh là “thành phố thi ca”. Có thể tại ngôi nhà này, trong không gian văn hóa nghệ thuật của phố Lê Lợi, kết hợp trưng bày kỷ vật liên quan đến những tên tuổi của Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Vĩnh Phối, Hoàng Phủ Ngọc Tường với tổ chức các buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa nghệ thuật, sẽ phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp gắn với văn hóa.
Công Định - Thu Hường