UBND Tỉnh Hưng Yên kiến nghị tổng công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (Vidifi) miễn phí cho những hộ dân sinh sống trong bán kính 5 km quanh trạm thu phí như các xã, thị trấn: Lạc Hồng, Trưng Trắc, Đình Dù, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm); xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp (huyện Yên Mỹ); thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào).
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, chiều ngày 11/9, Tỉnh đã gửi văn bản lên bộ GTVT và bộ Tài chính với đề xuất miễn giảm phí phương tiện và di dời trạm thu phí số 1 trên QL5 về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương. Việc miễn phí này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.
Lý do di dời trạm thu phí số 1 được ông Phóng giải thích: “Các phương tiện khi đi đến trạm thu phí số 1 hướng Hà Nội - Hải Phòng thường rẽ vào đường huyện Văn Giang rồi đi ra Phố Nối và ngược lại xe từ Hải Phòng - Hà Nội rẽ vào đường Phố Nối để né trạm thu phí gây thất thoát ngân sách và phá nát đường huyện, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, đời sống người dân bị ảnh hưởng.
Trước đó, hàng chục xe tải khi đi qua trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (địa phận tỉnh Hưng Yên) đã dùng tiền lẻ với các mệnh giá từ 200 – 500 đồng để trả phí khiến giao thông ách tắc nhiều giờ đồng hồ.
Cụ thể, có khoảng 20 xe tải gắn logo Đức Chính đã dùng tiền lẻ để đi qua trạm BOT số 1, quốc lộ 5. Việc này khiến giao thông chiều từ Hải Dương đi Hà Nội tắc nghẽn cục bộ.
Không chỉ tài xế, hàng trăm người dân các huyện Văn Giang và Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) cũng kéo tới trạm BOT này để phản đối. Chỉ đến khi các đầu xe thuộc doanh nghiệp vận tải trên thanh toán xong phí cho BOT số 1, tình trạng kể trên mới chấm dứt.
Lý do được các tài xế đưa ra là do trạm BOT này đặt trên quốc lộ 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là vô lý. Ngoài ra, các tài xế cho rằng giá phí ở đây quá cao, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như việc kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.
Thế Anh