Thời điểm hiện tại, song hành cùng các trường đại học, các trường cao đẳng, trung tâm dạy nghề cũng bắt đầu tổ chức tuyển sinh, phân luồng học sinh. Hiện nay, học nghề đang dần là lựa chọn ưu tiên của nhiều em nhưng vẫn cần có sự định hướng của nhà trường và gia đình.
Tham gia tư vấn tuyển sinh, TS Lê Danh Quang – Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng những năm trở lại đây, người học đã có nhìn nhận khác trong lựa chọn môi trường học tập sau khi tốt nghiệp THPT. Nhiều em có điểm số cao nhưng vẫn chọn học trường nghề bởi được đảm bảo đầu ra và có thể tiếp tục học đại học theo nhu cầu.
“Sinh viên chỉ mất khoảng 5 năm để có bằng cao đẳng nghề và bằng bổ sung lý thuyết, tư duy ở bậc đại học. Đây là điểm mới trong yêu cầu thị trường hiện nay, rất nhiều nơi mong muốn lao động vừa có bằng kỹ năng nghề lại có tư duy ở bậc đại học”, ông Quang thông tin.
Một hướng đi khác, sau khi học hết lớp 9, các em có thể học song bằng để lấy bằng tốt nghiệp THPT và bằng hệ cao đẳng sau 4 năm, giúp tiết kiệm thời gian nhằm nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động.
Những ngành được nhiều thí sinh quan tâm hiện nay là Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Chăm sóc sắc đẹp bởi ngành này có nhiều cơ hội việc làm. Những ngành như Nông nghiệp công nghệ cao, Chăm sóc thú y sẽ là những ngành xu thế trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Quang ngành Công nghệ hàn, Cơ khí chế tạo hiện là lĩnh vực xã hội cần nhưng lại khó khăn trong tuyển sinh khi người học cho rằng đây là công việc có môi trường làm việc độc hại.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết nhằm thu hút thí sinh các trường nghề đang chọn hướng đẩy mạnh việc tạo đầu ra cho sinh viên tại các thị trường nước ngoài.
Theo đó, những ngày kỹ thuật như Điện công nghiệp, Công nghiệp ô tô, Cắt gọt kim loại, Hàn, Cơ điện tử được nhà trường đào tạo theo chương trình của Đức và làm việc trong nước và nước ngoài.
“Thị trường Đức luôn luôn chào đón sinh viên tốt nghiệp theo hình thức này bởi họ thực sự “khát” nhân lực. So với các năm nước chúng tôi chú trọng đến chất lượng đầu ra, đào tạo theo đơn đặt hàng và đưa sinh viên của trường sang một số nước làm việc như Nhật Bản, Hàn Quốc, với trình độ cao đẳng mức lương chế độ gần ngang với người bản địa”, ông Ngọc cho biết.
Tuy nhiên, để định hướng và phân luồng học sinh các em nên nghiên cứu kỹ mong muốn để lựa chọn môi trường làm việc phù hợp, bởi ngoài chuyên môn cũng phải có thêm kiến thức về ngoại ngữ.
Ông Đồng Văn Ngọc chia sẻ: “Mời doanh nghiệp tham gia tư vấn trong việc chọn chọn ngành, chọn nghề là việc cần thiết, bởi họ chính là cầu của thị trường, sinh viên được trao đổi mới hiểu rõ được tổng thể bức tranh việc làm sau khi ra trường”.
Đối với việc học nghề hay học đại học, thay vì áp lực từ bên ngoài, ông Ngọc cho rằng các em cần quan tâm đến cơ hội việc làm sau khi ra trường.
“Việc học nghề hay đại học cũng chỉ phản ánh một bậc học, không phải chỉ học đại học mới thành công mà phụ thuộc vào năng lực làm việc mỗi cá nhân. Có rất nhiều con đường học tập, những em học sinh có khả năng, muốn nghiên cứu nên lựa chọn học đại học. Ngược lại, học nghề trang bị kiến thức thực tiễn, làm nghề, tuỳ theo khả năng để ta chọn lựa”, ông Ngọc bày tỏ.
Ngoài ra, một số ngành nghề của nhà trường cũng rất “kén” giới tính, ngành Kỹ thuật thường được các bạn nam lựa chọn, đối với khối Tài chính, Kế toán được sinh viên nữ theo học nhiều hơn.
Ngày 24/3 Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phố thông, trong đó có những điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chỉ, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý đối với môn thi Địa lý. So với quy chế trước đây, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu.