Trắng da "siêu tốc", nhập viện cấp tốc
Trong khi người dân chưa hết bàng hoàng về vụ một phụ nữ bị tử vong tại thẩm mỹ viện Linh Nhung, Hà Nội vì quá trình điều trị sẹo, làm đẹp cơ thể nhưng không lường trước được sự cố đáng tiếc. Hàng loạt các vụ chăm sóc sắc đẹp khác mà sau quá trình làm đẹp rất nhiều người bị dị ứng da, khuôn mặt phồng rộp, bong tróc, rất mất thẩm mỹ, thì mới đây dư luận lại phát hoảng với mốt làm trắng da "siêu tốc" bằng một loại sản phẩm có tên là huyết thanh vitamin C. Mặc dù được quảng cáo, khi dùng huyết thanh vitamin C sẽ giúp da khoẻ, săn chắc, trắng mịn, hỗ trợ điều trị nám và tàn nhang, đặc biệt đây là sản phẩm "lý tưởng" để chống lão hoá da... nhưng sau quá trình sử dụng đã không ít trường hợp phát sợ về chất lượng sản phẩm này.
Huyết thanh Vitamin C được quảng cáo tràn lan trên mạng internet.
Chị Trần Thu Hằng, sinh viên năm thứ 3 trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, kể: Mong muốn có được làn da ưng ý và qua sự tư vấn của bạn bè nên chị đã đặt mua gói sản phẩm làm trắng da trên mạng bao gồm 2 tuýp kem bôi và một vỉ ống dung dịch (10 ống nhỏ) được giới thiệu là huyết thanh vitamin C với tổng số tiền gần 5 triệu đồng (trong đó, riêng ống dung dịch huyết thanh vitamin C đã có giá 1,9 triệu đồng). Theo bạn bè giới thiệu, việc dùng kem bôi chỉ có tác dụng ban đầu và rất mất thời gian để có được làn da trắng đẹp nên chị Hằng được tư vấn, nếu dùng huyết thanh vitamin C, tiêm thẳng vào tĩnh mạch đều đặn khoảng 1 - 2 tuần sẽ phát huy hiệu quả tuyệt đối, tức trắng da "siêu tốc".
Theo quảng cáo, tiêm thẳng vào tĩnh mạch sẽ tẩy xoá, làm biến mất vùng da bị nám, sạm... Ngoài ra còn có thể giúp cho da sáng và mịn màng nhanh chóng, giữ được da sáng lâu hơn. Tin vào lời quảng cáo, chị Hằng đã đi tìm và thuê một y sĩ gần nhà trọ đến tiêm vitamin C cho mình với mức tiền công là 50.000 đồng/ mũi tiêm. Mấy ngày đầu khi sử dụng sản phẩm, chị Hằng cảm thấy da mịn màng, hồng hào hơn. Bản thân người y sĩ tiêm cho chị Hằng cũng khẳng định, tiêm vitamin C vào tĩnh mạch hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe, ngoài ra còn giúp cho việc thu nạp vitamin C vào cơ thể nhanh hơn và hiệu quả hơn so với việc bôi kem trên da hoặc dùng dịch truyền.
Thời gian sau đó, thấy việc tiêm huyết thanh vitamin C dễ dàng, chị Hằng đã tự ý mua xi lanh ngoài hiệu thuốc về hút huyết thanh vitamin C trong những ống thuốc mà chị đã mua trước đây và tự tiêm vào mạch trên cổ tay. Khi tiêm thuốc vào cơ thể được khoảng 10 phút thì đột nhiên chị Hằng bị co giật, mặt tím tái và xuất hiện hiện tượng thở gấp, cả cơ thể ngứa ngáy, mặt mũi bị phồng rộp. Ngay lập tức chị Hằng đã được các bạn trong khu trọ đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện các bác sỹ điều trị kết luận chị Hằng bị sốc thuốc dị ứng.
Chị Lê Tú Thanh, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Từ trước đến giờ tôi luôn mặc cảm với làn da ngăm đen của mình nên tôi quyết định lên mạng internet tìm hiểu các phương pháp làm trắng da "siêu tốc" để có thể nâng cấp làn da của mình. Qua tìm hiểu tôi đã quyết định mua vài vỉ huyết thanh vitamin C cùng với một số sản phẩm dưỡng da khác, tổng mức giá trên 10 triệu đồng (bộ sản phẩm chăm sóc da kèm theo với huyết thanh vitamin C). Thế nhưng, khi sử dụng sản phẩm được 3 hôm, người tôi bỗng ngứa ngáy khó chịu.
Theo dõi thêm, bỗng thấy da toàn thân bị phồng rộp, có chỗ bị bong tróc, ran rát. Hoảng sợ, tôi vội đến ngay bệnh viện chuyên khoa da liễu để khám và được các bác sỹ cho biết bị sốc thuốc gây dị ứng da. Tôi phải nằm theo dõi và điều trị tại bệnh viện vài ngày rồi mua thuốc về nhà tiếp tục điều trị thêm mới khỏi. May mắn cho tôi là đã đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời nếu không chắc chắn mình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về sức khoẻ từ chính những mong muốn không có thực của mình gây ra".
Huyết thanh Vitamin C được quảng cáo tràn lan trên mạng internet.
Vitamin C là dao 2 lưỡi
Theo các chuyên gia y tế thì, việc tự ý sử dụng, tiêm vitamin C vào tĩnh mạch là rất nguy hại đến sức khoẻ, tính mạng bản thân. Quá trình điều trị những bệnh nhân bị sốc thuốc dị ứng mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt với những trường hợp như chị Hằng, chị Thanh, có những vết dị ứng phỏng rộp trên da thì phải trải qua phác đồ điều trị rất tích cực mới giúp giảm bớt những tổn thương trên da và quá trình tái tạo da của cơ thể.
Bác sỹ Phạm Văn Đài, nguyên Chủ nhiệm khoa Cấp cứu hồi sức, bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết: "Bất kỳ thuốc gì khi đưa vào cơ thể đều có cơ chế dị ứng đặc thù của nó. Đặc biệt khi đưa qua đường tĩnh mạch đều có những dị ứng phản vệ mạnh mẽ. Riêng với việc đưa vitamin C qua đường tĩnh mạch phải chịu cơ chế phản vệ và dị ứng rất mãnh liệt, dị ứng dị nguyên với dấu hiệu sốc phản vệ rất rõ ràng. Việc tiêm vitamin C hay huyết thanh vitamin C qua đường tĩnh mạch rất nguy hiểm nếu không có sự cho phép và chịu sự giám sát trực tiếp của bác sỹ chuyên khoa. Có trường hợp đã bị tử vong do tự ý tiêm. Việc sử dụng vitamin C nói chung và huyết thanh vitamin C nói riêng, có thể nhìn nhận như sau: Bản thân vitamin C có tham gia vào chuyển hóa song hóa, chống lão hóa nhưng không có tác dụng làm trắng da tức thời, chuyển hóa sắc tố da tuyệt đối hay thay đổi sắc tố da từ vùng da sạm trở thành vùng da trắng như quảng cáo. Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định sự khác biệt về công dụng giữa truyền dịch, uống thuốc, bôi kem chứa dưỡng chất vitamin C so với việc tiêm trực tiếp huyết thanh vitamin C vào tĩnh mạch trong quá trình bảo vệ và chăm sóc làn da trắng sáng, tươi trẻ hơn những biện pháp thông thường khác".
Cũng theo bác sỹ Phạm Văn Đài, thì trước đây cụm từ huyết thanh nhằm phân biệt, định danh giữa huyết tương và máu. Nói cách khác huyết thanh là một loại dịch có thể truyền qua đường tĩnh mạch máu. Tuy nhiên, việc quảng bá huyết thanh vitamin C trên mạng với chiêu thức biến vitamin C thành một chất "thần dược" trong vấn đề cải tạo làn da hay giúp trẻ hóa làn da có thể coi đó là hành vi gian lận thương mại. Việc rao bán sản phẩm này trên mạng khiến nhiều người lầm tưởng vitamin C là loại chất "siêu sạch" và thể đưa vào cơ thể bằng bất cứ con đường nào. Lựa chọn nó tiêm qua tĩnh mạch được coi là có tác dụng toàn diện. Tuy nhiên, sốc phản vệ và dị ứng thuốc là nguy cơ lớn từ con đường này song lại không được cảnh báo.
Bác sỹ Đài cho biết thêm: Với việc cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nhân như chị Hằng, chị Thanh có thể rút ra một điều rằng: Khi tiêm vitamin C trực tiếp vào tĩnh mạch (tiêm thẳng vào máu) là việc "chơi" cùng con dao 2 lưỡi. Khi tiêm, nếu có sự nhầm lẫn về vị trí hoặc liều lượng thuốc sẽ vô cùng tai hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu bị sốc phản vệ (phản ứng toàn thân) khi cơ thể không dung nạp thuốc. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các dụng cụ y tế tiêm, truyền rất cao nếu không bảo đảm vô trùng. Do đó, người tiêu dùng hãy cảnh giác trước những thông tin quảng bá về huyết thanh vitamin C rao bán trên mạng hiện nay. Mặc dù vitamin C có tham gia vào quá trình chuyển hóa, chống lão hóa nhưng nó không có tác dụng làm trắng da tức thì, chuyển hóa sắc tố da tuyệt đối hay thay đổi sắc tố da từ vùng da sạm trở thành vùng da trắng.
Cùng chung quan điểm, bác sỹ Cao Đức Chinh, bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội cho biết thêm: Quan niệm uống hoặc tiêm vitamin C liều cao, kéo dài có tác dụng đẹp da đến nay vẫn chưa có cơ sở khoa học xác đáng. Thậm chí, việc sử dụng quá liều sẽ dẫn đến nhiều tác hại như: Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nóng rát dạ dày, gây hiện tượng thừa sắt, giảm độ bền của hồng cầu, giảm khả năng diệt khuẩn của bạch cầu. Riêng việc tiêm huyết thanh vitamin C trực tiếp vào tĩnh mạch đã khiến cho không ít người phải nhập viện điều trị do lầm tưởng đây là loại chất "siêu sạch" và có thể đưa vào cơ thể bằng bất cứ con đường nào. Do vậy, người dân cần thận trọng trong quá trình lựa chọn sản phẩm, khi sử dụng cần phải có hướng dẫn, theo dõi của các bác sỹ những người có chuyên môn nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình sử dụng.
Quỳnh Chi