Lầu Năm Góc lần đầu tiên công bố bức ảnh cho thấy máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mang theo tên lửa hành trình chống hạm tàng hình phóng từ trên không AGM-158C LRASM, trang tin quân sự The War Zone (TWZ) đưa tin hôm 24/9.
Với tên lửa AGM-158C LRASM, tiêm kích F-35 sẽ lần đầu tiên có khả năng tác chiến chống hạm, trong khi đây được đánh giá là một trong những khả năng đặc biệt quan trọng đối với một cuộc xung đột cấp cao tiềm tàng trong tương lai.
Theo TWZ, bức ảnh được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 24/9 cho thấy chuyến bay thử nghiệm từ Căn cứ Không quân-Hải quân Patuxent River, tiểu bang Maryland, vào ngày 10/9.
Theo đó, một cặp LRASM (Tên lửa chống hạm tầm xa) được nhìn thấy trên các giá treo dưới cánh của một biến thể F-35C có khả năng hoạt động trên tàu sân bay, được giao cho nhóm F-35 Lighting II Pax River Integrated Test Force (Pax ITF).
"Là một phần của những nỗ lực tích hợp đang diễn ra, nhóm Pax ITF đã thực hiện 2 ngày bay thử nghiệm để đánh giá độ rung, tải trọng và chất lượng bay với 2 tên lửa AGM-158 được gắn trên các mấu bên ngoài", chú thích đi kèm bức ảnh được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho biết.
"LRASM là giải pháp ngắn hạn được thiết kế riêng cho việc giải quyết sự khác biệt giữa năng lực quân sự mong đợi và năng lực quân sự có thể đạt được (capability gap) về việc phóng tên lửa từ trên không trong Chiến tranh chống hạm tấn công (OASuW), theo đó cung cấp khả năng chống hạm tiên tiến, tầm xa, linh hoạt chống lại các mục tiêu trên biển có nguy cơ cao".
Là một phiên bản phái sinh của Tên lửa hành trình chống hạm tầm xa không đối đất AGM-158 JASSM, do Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển, AGM-158C LRASM có cùng khuôn đúc với JASSM.
Ngoài tiêm kích F-35C, LRASM sẽ được tích hợp vào biến thể F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).
Mặc dù LRASM – giống như JASSM – không thể được mang bên trong bất kỳ biến thể F-35 nào mà phải mang theo bên ngoài và có tác động tiêu cực đến khả năng tàng hình của máy bay, nhưng đổi lại, LRASM mang lại khả năng tấn công chính xác tầm xa. Ngoài ra, khả năng tàng hình của bản thân tên lửa LRASM cũng giúp cải thiện khả năng sống sót cho "cặp đôi hoàn hảo" này.
Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, LRASM giúp giảm sự phụ thuộc vào các nền tảng ISR (tình báo, giám sát và trinh sát), liên kết mạng và định vị GPS trong môi trường tác chiến điện tử (EW) dày đặc. Hoạt động dẫn đường tiên tiến này có nghĩa là vũ khí có thể sử dụng dữ liệu chỉ thị mục tiêu thô để tìm và tiêu diệt mục tiêu được xác định trước trong môi trường bị từ chối.
Độ sát thương chính xác đối với các mục tiêu trên mặt nước và trên bộ đảm bảo hệ thống sẽ trở thành một sự bổ sung quan trọng cho kho vũ khí của Hải quân Mỹ. LRASM cung cấp tầm bắn, khả năng sống sót và độ sát thương mà không có hệ thống hiện tại nào khác có thể sánh kịp.
Những nỗ lực hiện tại nhằm tích hợp tên lửa tàng hình LRASM trên tiêm kích F-35 phản ánh quyết tâm của Lầu Năm Góc trong việc nâng cấp khả năng chống hạm cho phi đội máy bay chiến đấu hiện đại nhất.
Với tầm nhìn hướng đến các tình huống bất ngờ trong tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hiện đang có sự quan tâm đáng kể đến việc phát triển và triển khai một loạt các hệ thống tên lửa đất đối đất mới trên mặt đất có khả năng chống hạm, cũng như các vũ khí phóng từ trên không như LRASM.
Minh Đức (Theo TWZ, Lockheed Martin website)