Năm nay là năm thứ 6 bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay đã thu hút được đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên khắp cả nước tham gia với 488 dự án ở 22 lĩnh vực, 882 học sinh tham dự, tăng 30 dự án so với năm học trước.
Theo báo cáo của Ban tổ chức, tại khu vực này có 249 dự án của 475 học sinh (THPT có 198 dự án với 375 học sinh, THCS có 51 dự án của 100 học sinh). Trong khuôn khổ Cuộc thi sẽ diễn ra Hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học” và các hoạt động giao lưu bổ ích và lý thú.
Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia (VISEF) được sinh ra trong bối cảnh ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục phổ thông đang đổi mới theo hướng tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, trong đó thực hiện giáo dục tích hợp Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán (STEM) nhằm phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay trong quá trình học tập tại các nhà trường; thực hiện mục tiêu tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao khả năng và niềm đam mê với khoa học của học sinh Việt Nam, Bộ trưởng dẫn chứng: “Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) tại Hoa Kỳ từ năm 2013 đến nay Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng cao, khẳng định được năng lực của học sinh Việt Nam trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Trong năm 2017 vừa qua chúng ta cũng giành được kết quả khá ấn tượng, trong số 8 dự án (được lựa chọn từ hàng chục ngàn dự án) tham dự, có 05 dự án đoạt giải chính thức (01 giải Ba; 04 giải Tư) và 04 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học-công nghệ và doanh nghiệp trao tặng, là một trong số 48/78 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải, đứng thứ ba về số lượng giải thưởng, sau Hoa Kỳ và Ấn Độ”.
“Để có được kết quả này, tôi đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các thầy cô giáo và các em học sinh trong các nhà trường, đã tạo ra hàng chục ngàn dự án nghiên cứu ở cấp trường; hàng ngàn dự án dự thi cấp tỉnh; hàng trăm dự án dự thi cấp quốc gia. Thành tích đó cũng đã khẳng định học sinh Việt Nam có tiềm năng nghiên cứu khoa học tốt và tiềm năng đó sẽ được phát triển tốt nếu được tạo điều kiện tốt trong học tập, nghiên cứu”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng từ năm học này và các năm học tiếp theo học sinh cần phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học đảm bảo thực chất; chuẩn bị tích cực cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới mà STEM là một định hướng quan trọng.
“Tôi hy vọng rằng, thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức hoạt động dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông.
Các trường đại học, các tổ chức khoa học, công nghệ cần xem kết quả Cuộc thi là nguồn tài nguyên tốt để lựa chọn, sử dụng, bao gồm tài nguyên con người (là học sinh để tuyển sinh), các ý tưởng khoa học (để tiếp tục đầu tư, nghiên cứu), các sản phẩm công nghệ (để tiếp tục hoàn thiện, phát triển thành thương phẩm)… Đây chính là cơ hội tốt cho việc kết nối giữa giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và doanh nghiệp… tạo môi trường phát triển tốt cho giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng nói.
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị Ban tổ chức có kế hoạch hoạt động chi tiết, đảm bảo cuộc thi khách quan, công bằng, đúng quy chế. Ban giám khảo cần tập trung làm việc chính xác, công bằng, lựa chọn được những đề tài tốt nhất để trao giải và đề cử tham gia hội thi Intel ISEF tổ chức tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới.
Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào Đại học theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.