Ngày 9/10, phát biểu tại hội nghị tổng kết 2020 -2023 Rạng Đông chuyển đổi số do Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã mượn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Năm năm mới bấy nhiêu ngày/ Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều" để ví von “Bốn năm mới bấy nhiêu ngày/ Mà trông doanh nghiệp đổi thay quá nhiều”.
Cách ví von của chuyên gia kinh tế này là để đánh giá về những bước phát triển của Rạng Đông thông qua chuyển đổi số. Theo bà Lan, Rạng Đông đã thực sự “thay da, đổi thịt” nhất là về tư duy và tầm nhìn và được thể hiện rất rõ qua những con số tăng trưởng rất cụ thể.
Nhấn mạnh chính các doanh nghiệp là người tạo nên con đường phát triển cho đất nước, chuyên gia kinh tế này đánh giá năm 2023 là một năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp.
“Theo dõi tình hình doanh nghiệp trong nhiều năm qua, tôi chưa thấy năm nào doanh nghiệp khó khăn như 2 năm nay. Cứ 100 doanh nghiệp mới ra đời, thì chúng ta lại 90 doanh nghiệp “ngã”, ra khỏi thị trường. Và số ra khỏi thị trường này là mất thật, mất nhiều thứ: mất công ăn việc làm của người lao động, mất thu nhập của doanh nghiệp, mất thuế đóng góp cho nhà nước, mất sản phẩm đưa ra xã hội, mất thị trường,…” bà Lan nói.
Đặt câu hỏi bao nhiêu doanh nghiệp thành lập mới sẽ duy trì hoạt động được lâu dài, bà Lan cho rằng phải nuôi dưỡng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đang hoạt động không lâm vào tình trạng “khai tử” bên cạnh việc khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, việc Rạng Đông tiếp tục phát triển với những kết quả đầy ấn tượng, theo bà Lan càng cho thấy sự đúng đắn và tất yếu của quá trình chuyển đổi số và để giúp doanh nghiệp tăng cường sức chống chịu với những biến động cần thiết phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình này.
Đặc biệt, theo bà Lan, trong thời đại ngày nay, chúng ta nhắc nhiều đến VUCA với 4 nhân tố buồn (Biến động - Volatility; Bất định - Uncertainty; Phức tạp - Complexity; Mơ hồ - Ambiguity). Tuy nhiên, theo chuyên gia này, để hướng tới sự phát triển, các doanh nghiệp cần có một cách tiếp cận với khái niệm VUCA mới.
Theo đó, V thay vì là Volatility sẽ là Vision (tầm nhìn). “Trong một thế giới đang có nhiều biến động, doanh nghiệp phải thay đổi tầm nhìn của mình. Phải nhìn xem thế giới đang đi về đâu, đang dịch chuyển như thế nào đặc biệt là những phần có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của doanh nghiệp. Trong một thế giới mới, doanh nghiệp phải có tầm nhìn mới, không thể giữ tầm nhìn cũ kể cả thứ đã từng mang lại thành công”, bà Lan giải thích.
Yếu tố thứ 2, U thay vì là Uncertainty sẽ là Understanding (hiểu biết). “Doanh nghiệp phải trang bị cho mình những hiểu biết mới, hiểu sâu về sự thay đổi của thị trường, những nhân tố cạnh tranh hiện có, lợi thế của doanh nghiệp và những cơ hội của chuyển đổi”, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.
Yếu tố thứ 3, C thay vì là Complexity sẽ là Clarity (sáng tỏ). “Trong bối cảnh phức tạp với nhiều sự lựa chọn xung quanh, doanh nghiệp nên tập trung một số điểm để làm sáng rõ, không nên dàn trải nguồn lực để theo đuổi tất cả mà doanh nghiệp cần xác định phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó chuyển đổi số là một xu hướng mà doanh nghiệp cần ưu tiên”, bà Lan nói.
Yếu tố cuối cùng, A thay vì là Ambiguity sẽ là Agility (linh hoạt). “Doanh nghiệp cần năng động, linh hoạt chủ động thích ứng với bối cảnh mới để tiếp tục phát triển”, bà Lan chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế này, VUCA ban đầu mang ý nghĩa ảm đạm hơn nhưng với cách hiểu VUCA mới thì sẽ đầy sự tích cực và sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp vượt qua được những giai đoạn khó khăn, biến nguy thành cơ. “Thay vì than vãn, buồn bã, các doanh nghiệp hãy theo tinh thần VUCA mới để cùng nhau vượt lên”, bà Lan nói đồng thời cho biết nhìn thấy mô hình VUCA mới này trong sự chuyển đổi số của Rạng Đông.