Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã báo cáo tổng kết năm học 2021 – 2022 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm học 2022 – 2023.
Ông Sơn cho biết, năm học 2021 – 2022 là lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tiếp, trực tuyến; kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; học sinh phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến trong nhiều tháng liên tiếp.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương; duy trì tốt giáo dục các cấp học.
Tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 284.665 học sinh gồm 57.586 trẻ em mầm non, 110.871 học sinh tiểu học, 72.194 học sinh trung học cơ sở, 36.634 học sinh trung học phổ thông, 7.375 học viên hệ giáo dục thường xuyên.
Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành khoảng 21.963 người (công lập 18.896 người, ngoài công lập 3.067 người).
Toàn tỉnh có 205 trường mầm non gồm 161 trường công lập và 44 trường ngoài công lập. Tổng số trẻ mầm non huy động ra lớp trên toàn tỉnh là 57.586/97.151 trẻ, đạt tỉ lệ 59,27%. Toàn tỉnh có 92/161 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước).
Năm học 2021-2022, tỉnh Khánh Hòa có 189 trường có học sinh tiểu học (174 trường tiểu học, 15 trường phổ thông có nhiều cấp học). Tỉ lệ huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỉ lệ học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 97,2% (tăng so với năm học trước 1,7%).
Toàn tỉnh có 98/174 trường đã được kiểm định chất lượng giáo dục (tăng 4 trường so với năm học trước); 108/174 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (tăng 2 trường).
Năm học vừa qua, tỉnh Khánh Hòa có 121 trường THCS, tăng 2 trường so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối năm học, có 72.194 học sinh trung học cơ sở và 36.634 học sinh trung học phổ thông. Toàn tỉnh có 75/121 trường THCS và 3/29 trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia.
Tính đến thời điểm kết thúc năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 7.375 học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT. Trong đó, có 5.558 học viên học văn hóa chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với học nghề, chiếm tỷ lệ 75,4%; có 822 học viên theo học chương trình GDTX cấp THCS.
Tỉnh này tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng xóa mù chữ với kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Số người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ mức độ 1 đạt tỉ lệ 99,8%, mức độ 2 đạt tỉ lệ 99,5%. Số người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ mức độ 1 đạt tỉ lệ 99,5%, mức độ 2 đạt tỉ lệ 97,6%.
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 cho năm học 2022 - 2023 theo đúng tiến độ quy trình….
Toàn ngành tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho năm học mới 2021 - 2022. Tổng kinh phí đầu tư là 606.840 triệu đồng; trong đó, xây dựng cơ sở vật chất toàn tỉnh là 448.497 triệu đồng, mua sắm thiết bị nâng cao chất lượng dạy và học là 158.343 triệu đồng.
Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch Covid-19. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo...
Ngành GDĐT Khánh Hòa xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.
Để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong năm học mới, tỉnh Khánh Hòa đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh.
Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục…
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tỉnh đã tổ chức các kỳ thi gồm chọn học sinh giỏi quốc gia, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, tốt nghiệp THPT năm 2022 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 97,31% (tăng 0,42% so với năm 2021). Trong đó có 3 học sinh người dân tộc thiểu số đạt từ 26 đến cận 26,5 điểm theo tổ hợp môn thi để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Ông Thiệu đã biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được của ngành giáo dục và đào tạo. Đồng thời, ông đề nghị ngành phấn đấu để khắc phục những khó khăn và hạn chế còn tồn tại.
Để chuẩn bị cho năm học mới, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đề nghị ngành tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó tuyên truyền, vận động tiêm vắc-xin cho học sinh; xây dựng văn hóa học đường, ứng xử lành mạnh, tương thân tương ái; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học; chuyển đổi số trong toàn ngành…
Dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã trao tặng “Cờ thi đua của UBND tỉnh” cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 18 tập thể; tặng bằng khen cho 6 tập thể, 82 cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo năm học 2021 -2022.
Châu Tường