Cùng với xu thế nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn diễn ra trong thời gian tới, hiện nay các trường đại học trên cả nước đều đã “bắt tay” tập trung vào việc mở ngành đào tạo, với kỳ vọng đáp ứng đủ yêu cầu cả về số lượng và chất lượng đã đề ra.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Nguyễn Trung Hiếu - Phó Trưởng khoa Phụ trách khoa Điện tử 1 Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định, lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn đang thu hút sự quan tâm của cả quốc gia, là một trong những động lực của cuộc cách mạng công nghiệp, đóng góp vào tiến trình trở thành nước công nghiệp phát triển của Việt Nam.
“Đứng ở góc độ kinh tế thì thiết kế vi mạch là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng rất lớn khi tạo ra sản phẩm phục vụ quốc gia và đặc biệt là xuất khẩu. Nhu cầu nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn nói riêng và kỹ thuật điện tử nói chung ở Việt Nam và thế giới ngày càng lớn.
Trong khi người Việt Nam có nhiều tiêu chí rất phù hợp theo đuổi ngành học này là khả năng học khối A rất tốt, ham học hỏi, năng lực tiếp thu cái mới và chăm chỉ. Tất cả những yếu tố đó sẽ góp phần tạo ra động lực, sức hút và dự báo được thành công khi đào tạo ngành này”, ông Nguyễn Trung Hiếu đánh giá.
Sinh viên theo học ngành này có thể đảm nhiệm các vị trí chính việc làm liên quan đến Thiết kế vi mạch tương tự (Analog Integrated Circuit Design), Layout vi mạch tương tự (Analog Integrated Circuit Layout), thiết kế vi Mạch số (Register Transfer Level - RTL Design); Kiểm tra vi mạch số trước sản xuất (Design Verification - DV);
Thiết kế chức năng có thể kiểm tra vi mạch số sau sản xuất (Design For Test - DFT), tổng hợp và đảm bảo Timing vi mạch số (Physical Implementation - PI), bố trí vật lý và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của nhà máy sản xuất (Physical Design - PD); thiết kế vi mạch hỗn hợp tương tự-số (Analog Mixed-Signal Circuit Design - AMS Design), thiết kế IC vô tuyến (RFIC Design), thiết kế vi mạch cao tần đơn khối (MMIC Design), đóng gói IC (IC Packaging).
Đối với ngành Thiết kế vi mạch Trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có các nội dung đào tạo như công nghệ bán dẫn, thiết kế hệ thống VLSI (VLSI design), đồ án thiết kế hệ thống số, thiết kế vi mạch số, thiết kế vi mạch tương tự, thiết kế vi mạch cao tần, thiết kế vi mạch tín hiệu trộn, cơ sở công nghệ đóng gói và dải mạch.
“Khi đăng ký nguyện vọng vào các ngành, thí sinh cũng cần kiểm tra kỹ mã tuyển sinh từng cơ sở đào tạo của Học viện, mã BVH cho cơ sở đào tạo Hà Nội và BVS cho cơ sở đào tạo tại Tp.Hồ Chí Minh. Thí sinh cũng cần kiểm tra và đọc kỹ mã ngành đào tạo để phân biệt ngành đào tạo chuẩn và ngành Chất lượng cao để đăng ký ngành đào tạo chính xác. Năm nay Học viện sẽ tuyển sinh 3 ngành chất lượng cao và thí sinh cần đăng ký xét tuyển ngay từ khi nộp hồ sơ”, ông Hiếu đưa ra tư vấn với thí sinh.
Mùa tuyển sinh năm 2024 cũng ghi nhận hơn 10 trường đại học thông báo mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn, nhằm đón đầu nhu cầu nhân lực như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU), Phenikaa, FPT,…
Trước đó, thông tin với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa khi học ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn, chương trình học sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu liên quan đến công nghệ mới nhất trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn; được sử dụng các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp, có bản quyền.
Sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng phát triển các cấu trúc hệ thống, sản phẩm điện tử - viễn thông, làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch số và tương tự, có kỹ năng thiết kế, đo và kiểm chuẩn vi mạch bán dẫn.
Trả lời những vấn đề mà đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội vào đầu tháng 11/2023. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu hiện có tới 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần đối với lĩnh vực này.
Dự kiến trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 và sẽ tăng dần số này từ 20-30% hàng năm.
Theo Bộ trưởng, với sự tập trung cao độ, đến năm 2030, con số như dự kiến là có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nhưng cũng cần có sự đầu tư cao, nếu không thì không thể “tay không bắt chip” trong lĩnh vực này.