"Khai tử" các công trình cấp nước sạch kém hiệu quả
Liên quan đến thực trạng "khát" nước sạch ở huyện Can Lộc, ông Trần Mạnh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin, huyện đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy nước hồ Vực Trống (tại xã Phú Lộc), với tổng mức đầu tư dự kiến 210 tỷ đồng, công suất 9.000m3/ngày đêm. Dự án khi hoàn thành sẽ cấp nước sinh hoạt cho hơn 28.000 hộ dân trên địa bàn các xã: Thường Nga, Phú Lộc, Gia Hanh, Kim Song Trường, Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc) và xã Đức Dũng, Đức Thanh (huyện Đức Thọ).
Ngoài ra, huyện sẽ mở rộng đấu nối cấp nước sinh hoạt từ nhà máy nước La Giang cho xã Kim Song Trường, cấp sang xã Thanh Lộc; Nâng cấp mở rộng nhà máy nước Thiên Lộc, với tổng mức đầu tư dự án khoảng 14,5 tỷ đồng, cấp cho hơn 3.600 hộ thuộc xã Khánh Vĩnh Yên.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc, lộ trình tiếp theo là dự án nâng cấp, đấu nối hệ thống đường ống từ nhà máy nước Thiên Lộc sang nhà máy nước Khánh Lộc để thay thế nguồn nước thô chất lượng thấp với tổng mức đầu tư khoảng 12,5 tỷ đồng, công suất 4.000m3/ngày đêm, cấp cho các hộ dân ở xã Khánh Lộc cũ. Riêng xã Trung Lộc, trong năm nay sẽ thực hiện sáp nhập với thị trấn Đồng Lộc. Khi sáp nhập, huyện sẽ tính toán đấu nối đường ống với nhà máy nước La Giang.
"Nếu hoàn thành được 4 dự án trên thì tiêu chí tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình tập trung trong xây dựng nông thôn mới nâng cao toàn huyện sẽ đảm bảo 55%", ông Trần Mạnh Sơn nói.
Ngoài ra, ông Sơn cũng chia sẻ, nguyên nhân công trình cấp nước tập trung do UBND cấp xã, HTX dịch vụ quản lý hiệu quả kém là do cán bộ cấp xã, HTX dịch vụ hầu hết kiêm nhiệm, không chuyên trách. Giá tiêu thụ nước thấp; công tác bảo vệ, quản lý, vận hành, hoạch toán kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn tái duy tu, bảo dưỡng công trình hằng năm không có. Đặc biệt, nguồn nước thô tại một số công trình không ổn định, chất lượng không đảm bảo.
"Để có phương án hiệu quả lâu dài, những công trình đang giao cấp xã quản lý cần bàn giao cho đơn vị có chuyên môn vận hành", một cán bộ công tác trong ngành nông nghiệp tại Hà Tĩnh thẳng thắn nhìn nhận.
Lúc nào có nước sạch?
Không riêng gì huyện Can Lộc mà một số huyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đang gặp tình trạng thiếu nước sạch, tồn tại các công trình cấp nước kém hiệu quả hoặc chậm tiến độ ở các dự án nước sạch tập trung như: Lộc Hà, Thạch Hà, Hương Khê...
Theo số liệu ghi nhận từ các công trình chậm tiến độ của tỉnh Hà Tĩnh, tại huyện Thạch Hà, Dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt Khe Xai (xã Thạch Xuân) với nguồn vốn 44 tỷ đồng, dự kiến cấp nước sạch cho khoảng 1.500 hộ dân đến nay vẫn chưa được hoàn thiện theo đúng kế hoạch.
Tại huyện Hương Khê, Dự án nhà máy nước sạch huyện Hương Khê được xây dựng đầu nguồn sông Tiêm (thuộc địa phận xã Phú Gia) với tổng kinh phí trên 229 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2020, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 8/2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, giai đoạn từ 2022 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng 17 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng kinh phí hơn 473 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án đang bị chậm tiến độ. Việc chậm tiến độ tại các dự án nước sạch nông thôn hiện nay chủ yếu là do vướng nhiều thủ tục liên quan quy hoạch, điều chỉnh quy mô, công tác giải phóng mặt bằng... Cùng với đó, các địa phương chậm bố trí nguồn vốn đối ứng theo quy định làm ảnh hưởng đến công tác phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Các công trình cấp nước xuống cấp chưa được "khai tử", chuyển giao hay việc chậm tiến độ tại các dự án cấp nước tập trung quy mô lớn khiến khao khát của người dân có một nguồn nước sạch để dùng vẫn đang nằm ở sự chờ đợi. Họ mong mỏi, các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ các vướng mắc, tập trung triển khai tại các dự án cấp nước để nhân dân có nguồn nước sạch sử dụng, đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Trên địa bàn tỉnh có 03 loại hình quản lý: Đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và UBND xã quản lý. Trong số 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hiện có thì đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn) quản lý 07 công trình, UBND cấp xã giao Hợp tác xã và cộng đồng tự quản lý 17 công trình, doanh nghiệp quản lý 01 công trình; riêng đối với 14 hệ thống đấu nối từ công trình cấp nước đô thị: Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh quản lý 12 mạng lưới, UBND cấp xã quản lý 02 mạng lưới.