Trong giai đoạn dịch bệnh, kinh tế đi xuống, nhiều người than phiền về những khó khăn do thu nhập bị giảm. Tuy nhiên tôi cho rằng nếu lạc quan và biết cách chi tiêu thì mọi thứ sẽ ổn.
Tôi cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch. Trước kia, mỗi tháng tiền lương của tôi rơi vào khoảng trên dưới 8 triệu đồng. Mùa dịch này cơ quan cho làm việc online tại nhà nhưng thu nhập cũng giảm đi một nửa, chỉ còn khoảng 4 triệu đồng. Dù vậy tôi vẫn xoay xở được và cảm thấy khá thoải mái, chưa phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm.
Về tiền trọ, tôi ở ghép với bạn nên tính cả tiền điện nước mỗi tháng chỉ mất tầm 1,5 triệu đồng. Như vậy còn lại khoảng 2,5 triệu đồng cho việc ăn uống và chi tiêu cá nhân. Tôi cùng ăn với bạn và thường tự nấu tại nhà cho tiết kiệm, an toàn nên mỗi ngày chỉ mất khoảng 50 nghìn đồng. Thực phẩm chủ yếu là gạo, lạc, trứng, rau, đậu phụ, gia vị. Thịt thà hải sản cũng không ăn nhiều, tuần chỉ 2-3 lần. Hoa quả thì nguyên tắc mua theo mùa, loại nào rẻ và đang vào mùa thì mua, không thì thôi, mục đích là tiết kiệm mà vẫn có dinh dưỡng. Đi chợ cho vài ngày rồi cất tủ lạnh để dành ăn dần thì sẽ rẻ hơn.
Tổng cộng tiền ăn vào khoảng 1,5 triệu. Do đó tôi vẫn còn dư ra 1 triệu đồng cho các khoản chi tiêu khác như tiền điện thoại, mỹ phẩm, bột giặt, dầu gội,... Những loại hóa mỹ phẩm trước đây thường dùng thì giờ tôi cũng tính lại, lựa chọn những sản phẩm có giá thành phù hợp và kinh tế hơn. Làm việc tại nhà, tôi bớt được khoản tiền xăng xe, đi lại. Liên lạc với bạn bè, người thân thì dùng Zalo, Facebook nên không tốn tiền điện thoại.
Bình thường thu nhập đều đặn thì tiêu tiền theo kiểu bình thường, sáng ăn bún phở, uống cà phê, trà sữa. Bây giờ khó khăn hơn thì sống theo kiểu khó khăn, cân nhắc khi chi tiêu. Nói chung là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Còn với những bạn đang tạm thời thất nghiệp vì Covid-19 thì có thể dùng tiền tiết kiệm để sống sót qua ngày. Tôi tin rằng trừ những người chi tiêu quá trớn mà không suy nghĩ thì bình thường ai cũng sẽ có một khoản tiết kiệm, không ít thì nhiều.
Còn trường hợp túng quẫn hơn thì đã có các chương trình thiện nguyện phát suất ăn miễn phí; phát mì tôm, gạo và các gian hàng thực phẩm 0 đồng hỗ trợ. Tiền thì có thể thiếu nhưng sẽ không đến mức đói khổ, không có lương thực, thực phẩm để ăn.
Con người khổ một phần là bởi luôn lo sợ quá nhiều. Sợ đói khi tiền vẫn còn mà quên rằng hôm nay mình vẫn may mắn có tiền mua đồ ăn. Vậy nên, quan trọng lúc này là cần giữ một tâm thế lạc quan. Học cách chi tiêu và biết thích nghi với hoàn cảnh, hài lòng với những gì mình có. Đó gọi là thức thời, nương theo thời thế để sống.
X.B