Nhìn nhận trên nhiều khía cạnh
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành công ty Luật TNHH Inteco (Hà Nội) phân tích: “Theo tôi, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần nhìn nhận trên nhiều khía cạnh.
Khía cạnh thứ nhất: tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng số năm đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động, làm giảm thời gian hưởng lương từ quỹ bảo hiểm xã hội. Ở khía cạnh này, việc kéo dài thời gian nghỉ hưu đang tạo ra những tâm lý tiêu cực từ một bộ phận người lao động. Nguyên nhân thực tế của việc bị phản ứng tiêu cực, không hẳn là do quy định kéo dài thời gian nghỉ hưu mà là từ việc thu chi thiếu minh bạch của bảo hiểm xã hội.
Khía cạnh thứ hai: tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo cơ hội kéo dài thời gian làm việc cho người lao động. Đối với nhiều người, làm việc không chỉ là cách thức để kiếm sống mà còn là đam mê, là sự đóng góp cho xã hội và niềm vui của cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đang tăng lên nhiều hơn so với trong quá khứ, do đó, việc kéo dài thời gian nghỉ hưu, là kéo dài cơ hội cho những người yêu công việc. Ở khía cạnh này, tôi nghĩ rằng, việc kéo dài thời gian nghỉ hưu có những tác động rất tích cực tới xã hội.
Khía cạnh thứ ba: Việt Nam hiện đang là nước có cấu kết dân số trẻ. Tuy nhiên, theo xu hướng dịch chuyển chung, kết cấu trẻ này sẽ thay đổi và dân số sẽ bị già hóa. Nếu không kéo dài độ tuổi nghỉ hưu thì trong tương lai gần, Việt nam sẽ thiếu lao động.
Khía cạnh thứ tư: Những người lao động lâu năm là những người có tay nghề vững vàng, nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Do đó, kéo dài tuổi nghỉ hưu, giúp thị trường lao động giữ lại được những lao động lành nghề và có nhiều kinh nghiệm, giúp nâng cao chất lượng công việc cho xã hội”.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất tăng tuổi hưu, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định: “Hiện nay, sức khỏe của người Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ ngày càng cao, nên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là còn quá trẻ. Hơn nữa, họ là những người đã có kinh nghiệm làm việc tốt rồi thì tiếp tục cống hiến sẽ mang lại hiệu quả công việc tốt trong ít nhất là 5 năm nữa.
Câu chuyện quỹ bảo hiểm cũng đang là một vấn đề lớn hiện nay. Nếu chăm sóc sức khỏe tốt, có những người sống thọ 80, 90 tuổi, vậy hơn 20, 30 năm không làm việc hưởng lương hưu thì sẽ có nguy cơ “vỡ” quỹ bảo hiểm”.
Cần phân loại nhóm đối tượng lao động
Sau khi phân tích một số khía cạnh cần nhìn nhận đối với đề xuất tăng tuổi hưu, luật sư Hà Huy Phong chỉ ra rằng: “Nhìn nhận chung là vậy, tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được thiết kế một cách hợp lý. Cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi phù hợp chứ không phải áp dụng ngay. Ví dụ: có nhóm độ tuổi gần về hưu nhưng bị vướng quy định mới nên phải kéo dài thời gian đóng bảo hiểm thêm một số năm, gây ức chế.
Do đó, quy định mới không nên áp dụng ngay, mà cần phân loại thành các nhóm đối tượng chịu quy định. Thời gian áp dụng có thể dựa trên cơ sở phân loại nhóm đối tượng có thể theo số năm làm việc hoặc dựa trên các tiêu chí khác phù hợp”.
“Như đã đề cập trên đây, chúng ta cần có sự phân hóa các nhóm đối tượng lao động để áp dụng chính sách tuổi nghỉ hưu để đảm bảo quyền lợi của người lao động không bị thiệt thòi. Đối với nhóm ngành lao động trực tiếp, đặc biệt là đối với những ngành lao động có tính chất công việc nặng nhọc, độc hại hoặc thiên về yếu tố thể lực thì cần có những quy định riêng, không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu.
Tôi nghĩ rằng, nên đưa ra những mốc tuổi nghỉ hưu nhất định, trong đó mốc tối thiểu nên để như hiện tại. Nếu người lao động có nguyện vọng tiếp tục làm việc thì sẽ được hưởng những chế độ lớn hơn. Quyền lựa chọn và quyền lợi nên thuộc về người lao động và do người lao động lựa chọn, chứ không phải bị đơn phương quyết định bởi cơ quan bảo hiểm xã hội như hiện nay”, luật sư Hà Huy Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS. Khuất Thu Hồng cũng cho rằng: “Những người lao động vì lý do sức khỏe có thể nghỉ hưu trước. Đối với những ngành nghề lao động nặng nhọc cũng cần có những quy định khác hơn, có thể nghỉ sớm sau 20, 25 năm làm việc, tùy thuộc tình hình sức khỏe để có kế hoạch nghỉ hưu khác nhau, đảm bảo sức khỏe”.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nếu đã quyết định tăng tuổi hưu thì nên tăng đồng đều, nữ từ 55 lên 60 tuổi, nam từ 60 lên 65 tuổi để đảm bảo bình đẳng giới.