Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường, văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu & Cộng sự, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Điều 8 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định, người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.
Chính vì thế, khi nhà hàng để xảy ra sự cố, làm thiệt hại cho người tiêu dùng mà cụ thể là ngộ độc thực phẩm thì nhà hàng phải bồi thường thiệt hại, theo quy định tại khoản 1, điều 584 Bộ luật Dân sự 2015: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".
Theo đó, nếu việc khách hàng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của nhà hàng thì nhà hàng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng. Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại điều 585 và 590 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Thị Thúy Hường phân tích: “Trong đó, tổng chi phí từ thiệt hại bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị”.
“Ngoài ra, nhà hàng còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở). Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần”, bà Thúy Hường đánh giá.
Mới đây, sau nhiều ngày né tránh báo chí, đại diện nhà hàng Adora tại quận Tân Bình, TP.HCM đã lên tiếng thừa nhận trước công chúng và xin lỗi khách hàng. Cụ thể, ông Nguyễn Đình Nhân, Giám đốc điều hành nhà hàng Adora đã “cáo lỗi với tất cả quý khách hàng và những người thân quen của quý khách đã không may bị ảnh hưởng từ sự việc này".
Người điều hành nhà hàng Adora Center cũng thừa nhận “có lỗi lớn vì đã chậm trễ phản hồi khách hàng và báo chí”. Trước vấn đề bồi thường cho các thực khách bị ngộ độc, nhà hàng đang tiến hành rà soát và điều tra quy trình nội bộ để tìm hiểu thấu đáo nhất nguyên nhân dẫn đến sự việc vừa qua.
“Tuy vậy, dù nguyên nhân nào, chúng tôi cũng cam kết chịu trách nhiệm và khắc phục thoả đáng nhất với các bên có liên quan”, ông Nhân cho biết.
Trước đó, vào ngày 30/6, anh L.T.L., ngụ TP.HCM tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng Adora Center, có 68 bàn với khoảng 500 khách dự tiệc. Tuy nhiên, sau tiệc cưới rất nhiều người thân và bạn bè của anh bất ngờ nhập viện cấp cứu cùng thời điểm và chung triệu chứng. Theo anh L., ước tính khoảng hàng trăm khách có dấu hiệu sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy... phải nhập viện cấp cứu sau khi rời khỏi tiệc cưới.
“Bác sĩ thông báo một số người thân của tôi bị nhiễm khuẩn đường ruột. Ngày trọng đại của tôi mà xảy ra việc như vậy, tôi rất đau lòng. Nhiều khách của tôi muốn nhà hàng phải làm rõ nguyên nhân, chứ không chấp nhận lời xin lỗi”, anh L. bức xúc nói.
Sau khi lời tố cáo của anh L. gây xôn xao dư luận, tiếp tục có 2 khách hàng khác cũng là chủ tiệc cưới lên tiếng trình bày tương tự khi khách mời của họ có triệu chứng bất thường, nghi bị ngộ độc sau khi dự tiệc về.
Hiện tại, ban Quản lý An toàn thực phẩm đã phối hợp với sở Y tế TP.HCM để thanh tra, kiểm tra toàn diện với hệ thống nhà hàng Adora trên địa bàn.