Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hồng Điệp cho rằng: “Thực tế, có những vụ việc giải quyết không kịp thời ở cấp cơ sở khiến người dân phải khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan Trung ương. Cũng có những trường hợp thấy đúng thẩm quyền của mình nhưng né tránh trách nhiệm, chuyển đơn thư lòng vòng, thậm chí chuyển sai địa chỉ.
Một số địa phương tồn tại thực trạng giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo không hết vụ việc mà chỉ giải quyết cho hết thẩm quyền. Chính vì thế, ở những cấp cao hơn, ngay cả Thanh tra Chính phủ cũng nhận được nhiều đơn không thuộc cấp giải quyết của mình”.
Về nguyên nhân, ông Điệp chỉ ra: “Người dân không biết đi đâu để giải tỏa bức xúc. Đơn thư khiếu nại, tố cáo bị chuyển lòng vòng, không đúng chỗ khiến người dân có hy vọng, tiếp tục đeo bám. Thêm nữa, chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu Quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Không có đủ thông tin nên người dân phải đi kiện ở nhiều nơi”.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Điệp nói: “Phải giải quyết ngay từ cấp cơ sở và đúng với quy định của luật, không ngâm vụ việc. Tất nhiên, có những vụ việc mang tính lịch sử, tồn tại từ lâu và xuất hiện những vướng mắc phải thông cảm. Nhưng hơn hết, cần công khai kết quả khiếu nại, tố cáo. Phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước và quan trọng là xây dựng khẩn trương cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại tố cáo. Qua đó, người dân theo dõi thuận tiện, chỉ cần ngồi ở nhà truy cập Internet cũng biết đơn thư mình đã chuyển đi đâu, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết”.
Trong các giải pháp, ông Điệp đánh giá cao việc đối thoại của người đứng đầu, người có trách nhiệm với dân. “Một vụ việc kéo dài mấy chục năm có thể giải quyết được trong một vài tiếng đồng hồ sau khi đối thoại. Người dân cảm thấy mình được tôn trọng, mọi việc sẽ giải quyết nhanh hơn, tốt hơn. Lắng nghe người dân cũng là cách xây dựng chính quyền. Cán bộ không tiếp dân, đối thoại, người dân càng bức xúc, khiếu nại tiếp lên cấp cao hơn. Cũng cần nhấn mạnh, tuyệt đối không ủy quyền đối thoại khi không đúng thẩm quyền, chuyên môn”, ông Điệp nói.
Về luồng ý kiến cho rằng, có “lợi ích nhóm” khiến một số cá nhân có trách nhiệm đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm khi giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Điệp nêu quan điểm: “Nhiều vụ việc, các đồng chí thủ trưởng cơ quan Nhà nước mới được bổ nhiệm ngại bới lại chuyện cũ, sợ giật dây, sợ động chạm đến thủ trưởng cũ của mình. Có những người trình độ kém, non, không tự tin tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chính tâm lý sợ giật dây động chạm, việc nọ ra việc kia dẫn đến thực trạng giải quyết cho xong, hết thẩm quyền chứ không giải quyết hết vụ việc.
Không có việc gì khó nếu như chính quyền, người dân, các cơ quan, mặt trận, luật sư, phương tiện thông tin đại chúng ngồi với nhau cùng đưa ra giải pháp. Thậm chí, chấp nhận việc chính quyền sai phải sửa thì mọi việc sẽ có kết quả tốt đẹp.
Ai không làm đúng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, luật Khiếu nại, tố cáo thì “kính mời” chuyển đi nơi khác. Đã nhận nhiệm vụ làm lãnh đạo thì đi kèm là gánh vác trách nhiệm. Nếu còn tâm lý tư duy nhiệm kỳ, kệ đến đâu thì đến, người dân sẽ bức xúc, kiện đến cấp Trung ương là đúng”.