Khoai lang là loại củ có vị ngọt vừa phải, ít tiền, dễ mua nhưng rất giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hoá và chất xơ.
Trung bình một củ khoai lang (100g) có hàm lượng đáng kể các chất dinh dưỡng gồm: Carbs, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin A, vitamin C, mangan, vitamin B6, kali, đồng… rất cần thiết cho các hoạt động của cơ thể. Đặc biệt, loại khoai lang tím rất giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi các gốc tự do liên quan đến các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim và lão hoá …
Cụ thể, những lợi ích nổi bật của khoai lang tím bao gồm:
Giúp giảm huyết áp
Một trong những lợi ích tuyệt vời của khoai lang tím là giúp hạ huyết áp. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể là do hàm lượng chất chống oxy hóa ấn tượng của chúng.
Một nghiên cứu cho thấy khoai lang tím có chứa chất chống oxy hóa có thể giúp giảm huyết áp theo cách tương tự các loại thuốc hạ huyết áp thông thường.
Cụ thể, 18 tình nguyện viên được mời tham gia thí nghiệm ăn 6 - 8 củ khoai lang tím nướng trong lò vi sóng, 2 lần/ngày trong thời gian 4 tuần liên tục. Phần lớn những người tham gia đều mắc chứng tăng cân và cao huyết áp, được đối chứng với nhóm người không ăn khoai lang. Kết quả, nhóm ăn khoai lang tím có chỉ số huyết áp, kể cả cực đại lẫn cực tiểu đều giảm.
Theo đó, huyết áp tâm trương giảm 4,3%, huyết áp tâm thu giảm 3,5% trong khi đó nhóm đối chứng lại không có được những kết quả này. Đặc biệt, những người dư thừa trọng lượng, cao huyết áp vừa uống thuốc lại kết hợp ăn khoai lang tím thì hiệu quả giảm huyết áp lại càng lớn, tuyệt nhiên không một ai trong nhóm này bị tăng cân.
Qua nghiên cứu, nhóm đề tài phát hiện thấy, trong khoai lang tím có chứa các hợp chất giống như trong thuốc hạ huyết áp ACF inhebitor và các hợp chất hữu ích khác mà người ta chưa phát hiện được.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo để mang lại lợi ích cao nhất thì không nên nướng vì nướng sẽ làm giảm các thành phần chống oxy hóa của khoai. Ngoài ra, cũng không nên ăn khoai lang tím với kem bơ thực vật, nó sẽ giảm tác dụng “bình ổn” huyết áp của khoai.
Tăng cường sức khỏe đường ruột
Kết quả một nghiên cứu cho thấy, tinh bột kháng từ khoai lang tím làm tăng số lượng Bifidobacteria - một loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Những vi khuẩn này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe đường ruột, hỗ trợ sự phân hủy của carbs phức tạp và chất xơ. Chúng còn có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư đại trực tràng, bệnh viêm ruột (IBD) và hội chứng ruột kích thích (IBS). Loại củ này cũng sản xuất axit béo lành mạnh và vitamin B.
Đặc tính chống ung thư
Khoai lang tím giàu chất anthocyanin, một loại sắc tố tạo ra màu tím ở rau củ, đây cũng là chất có khả năng giảm nguy cơ ung thư.
Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy, so với những loại khác, khoai lang tím có hàm lượng anthocyanin cao hơn hẳn, cũng như chứa những hợp chất chống lão hóa và chống tình trạng oxy hóa. Các nhà khoa học cũng chứng minh được rằng anthocyanin phát huy hiệu quả trong chống lão hóa, ngăn ngừa sự phát triển của các khối u, bướu, hạn chế nguy cơ bị đột quỵ, giảm nguy cơ mắc ung thư…
Theo các nhà nghiên cứu, trong một số trường hợp, sự biến đổi về cấu trúc của các phân tử anthocyanin cũng làm tăng khả năng chống ung thư của chúng.
Giàu chất chống oxy hóa
Khoai lang tím rất giàu chất chống oxy hóa, bao gồm anthocyanins và vitamin C. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do các phân tử có hại gọi là gốc tự do gây ra. Từ đó hạn chế các bệnh như ung thư, bệnh tim, tiểu đường và rối loạn thoái hóa thần kinh. Đặc biệt, anthocyanins có tác dụng chống oxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa nếp nhăn, ngăn ngừa mỏi mắt.
Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu
Chất flavonoid trong khoai lang tím được chứng minh là giúp giảm lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ khoai lang tím giàu flavonoid làm giảm stress oxy hóa và kháng insulin bằng cách bảo vệ các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.
Ngoài ra, trong khoai lang tím có chất béo, đường mỡ thấp nên rất có lợi cho nhóm người mắc bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên cần lưu ý, vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất, do đó, khi luộc nên giữ cho phần vỏ không bị xây xát, không gọt vỏ nếu không cần thiết.
Trong khoai lang có chất đường, ăn nhiều nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng có thể uống một ít nước gừng.
Khoai lang là vị thuốc, món ăn bổ dưỡng cho nhiều đối tượng, nhưng riêng với các trường hợp bị tiêu chảy, viêm dạ dày, đường huyết thấp nên hạn chế ăn khoai lang.
Minh Hoa (t/h)