Chỉ còn ít ngày nữa các trường đại học sẽ thông báo điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 năm 2023. Với phổ điểm của năm nay, nhiều thầy cô đánh giá mức điểm chuẩn sẽ không có nhiều thay đổi so với các năm trước. Tuy nhiên, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ cách sắp xếp nguyện vọng, tránh điểm cao nhưng lại không đỗ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Thạch – Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài Chính cho biết: “Ngoài các ngành truyền thông như Kế toán, Tài chính ngân hàng, thì những ngành như Hải quan và logistics, các chương trình chất lượng cao, Kinh tế, Quản trị kinh doanh cũng được rất đông thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, dự đoán điểm chuẩn năm nay vẫn ổn định, không có sự thay đổi nhiều so với các năm trước”.
Ông Thạch lưu ý ngoài nghiên cứu điểm chuẩn các năm, các em khi đăng ký phải chú trọng thứ tự nguyện vọng. “Các em phải căn cứ vào mức điểm, thông tin điểm xét tuyển để đặt ngành yêu thích và phù hợp ở những nguyện vọng đầu. Cần tránh việc điểm của thí sinh bằng điểm trúng tuyển sẽ phải xét thêm tiêu chí phụ, cũng như thứ tự ưu tiên của nguyện vọng”, ông Thạch cho biết.
Cũng chung khối ngành, năm nay phần lớn các thí sinh quan tâm chương trình chất lượng cao của Học viện Ngân hàng.
Ông Trần Mạnh Hà – Trưởng phòng Quản lý đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: “Điểm chuẩn rất khó dự báo nhưng qua các năm nhà trường vẫn luôn nhận sự quan tâm lớn đối với thí sinh. Năm nay, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm cũng tăng, đặc biệt đối với các chương trình chất lượng cao. Đây là thông tin mà các em thí sinh cần cân nhắc bởi số lượng thí sinh đăng ký là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến điểm xét tuyển”.
Đại diện nhà trường cũng cho biết những chương trình đào tạo mới mở như Ngân hàng số, Công nghệ tài chính, Quản trị du lịch cũng được nhiều thí sinh thí sinh lựa chọn.
“Về nguyên tắc khi đăng ký nguyện vọng sẽ có có hội trúng tuyển vậy nên hãy đăng ký tất cả các ngành yêu thích. Đối với những nguyện vọng cuối sẽ là những ngành có số điểm trúng tuyển các năm trước thấp hơn dể đảm bảo tỉ lệ đỗ cho các thí sinh”, thầy Hà bày tỏ.
Đối với khối ngành kinh tế, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng nhận định với mức độ đề thi có tính phân hoá cao hơn so với năm ngoái, điểm chuẩn năm nay khả năng giảm hơn so với năm ngoái là không lớn, nếu có sự tăng/giảm thì thay đổi biên độ rất nhỏ (từ 0,25-0,5 điểm, tùy mã ngành).
"Với các ngành được nhiều sự quan tâm như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng… năm 2022 điểm chuẩn trên 28, năm nay khó tăng cao hơn, tuy nhiên thí sinh phải đạt trên 28 điểm mới có cơ hội trúng tuyển.
Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn năm 2022 để lấy làm căn cứ điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp", ông Triệu chia sẻ.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trịnh Văn Toàn – Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Điện lực cũng cho rằng sau nhiều lần điều chỉnh thì năm nay cơ bản điểm chuẩn sẽ vẫn giữ ổn định, thí sinh có thể lấy căn cứ điểm của 2-3 năm trở lại đây để đăng ký nguyện vọng.
“Các ngành được nhiều thí sinh quan tâm như Công nghệ thông tin, Logistics, Kỹ thuật điện tử sẽ vẫn giữ mức điểm cao hơn so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, nếu có mong muốn theo học các em vẫn đăng ký, không nên quá lo lắng về số điểm không đăng ký sẽ làm mất cơ hội”, ông Toàn cho biết.
Theo quy chế tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Thí sinh sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.
Khi đã xếp theo thứ tự ưu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể. Đối với những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng.
Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành/trường đó.