Lợi ích của kẽm đối với cơ thể
Kẽm là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Nó tham gia vào các chức năng của hơn 300 enzym và tham gia vào nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể bạn. Ngoài ra, kẽm còn được coi là một chất chống oxy hóa giúp sửa chữa các tác động của quá trình oxy hóa trong cơ thể.
Khi cơ thể thiếu hụt khoáng chất này có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe như giảm chức năng miễn dịch, tiêu chảy,… Một số người có nguy cơ thiếu kẽm, bao gồm trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.
Nhu cầu của kẽm cần có trong khẩu phần ăn hàng ngày:
Trẻ dưới 5 tháng: 2,8mg/ngày,
Trẻ 6-11 tháng-2 tuổi: 4,1mg/ngày
Trẻ 3-5 tuổi: 4,8mg/ngày,
Trẻ 6-9 tuổi: 5,6mg/ngày,
10-19 tuổi: khoảng 7,2 đối với nữ và 8,6mg/ngày đối với nam.
Dấu hiệu cơ thể thiếu kẽm
Theo Sức khỏe & Đời sống, các biểu hiện của thiếu kẽm rất thầm lặng, khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Trẻ thiếu kẽm thường chán ăn, hay bị tiêu chảy, tăng trưởng chậm giảm tốc độ tổng hợp AND và tổng hợp protein, dậy thì chậm, giảm hoạt động của các tuyến nội tiết…
Ở người lớn dấu hiệu lượng kẽm thấp bao gồm hệ miễn dịch suy yếu, cảm lạnh nhiều hơn và vết thương liền kém, mệt mỏi, và giảm ham muốn tình dục, rụng tóc, móng giòn dễ gãy và có đốm trắng, răng kém sáng bóng, mụn hoặc những vấn đề khác trên da, loét miệng...
Bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp làm giảm 18% tỷ lệ tiêu chảy, 41% tỷ lệ viêm phổi, giảm tỷ lệ tử vong trên 50%.
Các loại thực phẩm giàu kẽm
Thông tin trên báo Lao Động, kẽm là một khoáng chất thiết yếu có trong nhiều loại thực phẩm. Một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh bao gồm các thực phẩm giàu kẽm sẽ đáp ứng nhu cầu của mọi người.
Hàu: Hàu là loại động vật giàu kẽm nhất. Lượng kẽm trong 100g hàu tươi gấp gần 10 lần so với 100g thịt lợn, gấp hơn 50 lần trong 100g cá tươi. Hàu sữa là loại hải sản có dinh dưỡng cao có chứa protein, glucid, chất béo, kẽm, canxi, magie, đặc biệt, hàu sữa là một trong những loại chứa nhiều kẽm nhất trong các loại hàu.
Thịt gà: Thịt gà ngoài chứa một lượng kẽm dồi dào, nó cũng là một nguồn cung cấp vitamin B, bao gồm vitamin B12, niacin, vitamin B6 và axit pantothenic. Vitamin B12 trong thịt gà giúp duy trì mức năng lượng, cải thiện tâm trạng, duy trì sức khỏe tim mạch và tăng cường sức khỏe làn da.
Hạt bí ngô: Hạt bí ngô và dầu hạt bí ngô được chứng minh là thực phẩm quan trọng để duy trì sức khỏe ở phụ nữ sau mãn kinh. Hạt bí ngô cũng rất tốt cho sức khỏe tuyến tiền liệt và chúng thúc đẩy sức khỏe tinh thần của bạn.
Thịt cừu: Theo Draxe, thịt cừu là một nguồn giàu vitamin khoáng chất. Ngoài kẽm, thịt cừu còn chứa vitamin B12, riboflavin, selen, niacin, phốt pho và sắt.
Hạt điều: Hạt điều rất giàu axit béo không bão hòa và nhiều protein. Dinh dưỡng từ hạt điều giúp chống lại bệnh tim, giảm viêm, tăng cường sức khỏe của xương và hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh. Hơn nữa, hạt điều có tỉ lệ kẽm rất nhiều, có thể bổ sung lượng kẽm lớn cho cơ thể.
Hạnh nhân: Loại hạt này giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe, bao gồm sức khỏe tim mạch và kiểm soát cân nặng. Ngoài hàm lượng kẽm, hạnh nhân còn cung cấp vitamin E, mangan, magiê và riboflavin, trong số các vi chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Cải bó xôi: Cải bó xôi hay còn gọi là rau chân vịt là một trong những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và các khoáng chất bao gồm kẽm. Cải bó xôi giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm bệnh tim, béo phì, tiểu đường, bệnh thoái hóa thần kinh và thậm chí nhiều hơn nữa.
Nấm: Lợi ích dinh dưỡng của nấm đã được chứng minh bao gồm khả năng tăng cường miễn dịch do các hoạt động chống ôxy hóa và giảm viêm. 100g nấm sẽ cung cấp khoảng 1,4mg kẽm. Nếu bạn đang muốn giảm cân thì cũng có thể thêm nấm vào thực đơn vì nó cung cấp ít calo mà lại giàu về giá trị dinh dưỡng.
Quả bơ: Nếu bạn đang tìm kiếm các loại trái cây có chứa kẽm, hãy tìm đến một quả bơ. Nó được biết đến là một trong những loại thực phẩm lành mạnh nhất trên hành tinh vì chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu.
Trúc Chi (t/h)