Chiều 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành.
Quỹ đất cho xây mới 30 - 40 trường học?
Với vị thế là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội chia sẻ: “Năm học 2022-2023, toàn thành phố có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông và Trung tâm GD Thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh”.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, tại Nghị định 120 quy định mỗi đơn vị có không quá 2 cấp phó khiến khó khăn trong công tác quản lý cho các trường có quy mô lớn, đặc thù. Do đó, thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 120 cho phù hợp thực tế.
Bên cạnh đó, bà Hà cũng kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai số hóa SGK và sử dụng SGK điện tử để phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.
Đồng thời, quan tâm chế độ chính sách với cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong lĩnh vực GD&ĐT. Để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi theo từng tính chất công việc.
Hiện nay, Thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học.
Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất. Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, đề nghị các cấp xem xét cho phép Thành phố sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng. Đồng thời, cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.
Thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh
Trình bày tham luận tại sự kiện, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT Yên Bái đã thực hiện hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch năm học, tiếp tục triển khai thành công Chương trình GDPT 2018 theo đúng lộ trình và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Yên Bái tiếp tục quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cơ sở vật chất cho GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu dạy và học ngày càng cao; tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 89,6%; toàn tỉnh hiện có 326 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 73,8%, tăng 37 trường so với năm học trước.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái cho biết: “Dù đã chủ động triển khai chương trình GDPT 2018 và SGK mới nhưng nhiều địa phương trong tỉnh đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh, đặc biệt tại các trường trên địa bàn hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải”.
Trước thực tế đó, tỉnh đã có chủ trương kịp thời về biệt phái giáo viên ở vùng thấp lên vùng cao để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh. Trong đó, rất nhiều giáo viên đã tự nguyện xung phong đi biệt phái, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Chia sẻ về công tác giáo dục tại Kon Tum, bà Y Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong năm học 2022-2023.
Theo đó, do địa bàn rộng, dân cư phân tán, đặc biệt là ở 4 huyện biên giới nên mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, nhiều lớp ghép… Hạ tầng công nghệ thông tin còn khó khăn và chưa đồng bộ; có nhiều điểm lõm về sóng viễn thông, internet hoặc chất lượng đường truyền không đảm bảo.
Tỉnh Kon Tum còn thiếu 836 giáo viên, đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn.
Một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bán trú…còn thiếu tính bền vững do số xã đặc biệt khó khăn ngày càng giảm.
Để giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề
Từ thực trạng tại Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh Yên Bái đảm bảo đủ định mức theo quy định; nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, tiểu học; quan tâm đến chế độ lương và phụ cấp để giúp giáo viên yên tâm, gắn bó với nghề.
Đối với các bộ, ngành trung ương, ông Duy đề nghị: Sửa đổi, thay thế các thông tư hiện hành quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; tháo gỡ khó khăn về nguồn tuyển giáo viên miền núi. Bên cạnh đó, xem xét điều chỉnh mức học bổng; chế độ chính sách; trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Kon Tum, bà Y Ngọc có một số đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị: Rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc còn thiếu cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với địa bàn khó khăn.
Bà Ngọc cũng kiến nghị: "Cần có cơ chế chuyển tiếp, duy trì các chính sách an sinh trên lĩnh vực giáo dục y tế từ 2-3 năm sau khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời ban hành mới các chính sách đối với trường nội trú, bán trú, trường có đông học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn, như: hỗ trợ chế độ ăn trưa, chi phí học tập, đào tạo nghề".