Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, chỉ duy nhất môn Ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đề thi, đáp án.
Nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia giáo dục cũng như dư luận xã hội về quyết định này. Báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng đại học (Bộ GD&ĐT) xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, dư luận đang có nhiều ý kiến sau khi biết được thông tin Bộ GD&ĐT không công bố đề thi và đáp án ở kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Vậy ông có thể giải thích cho độc giả hiểu rõ hơn về việc này?
TS. Sái Công Hồng: Các kỳ thi ở các quốc gia khác cũng như các kỳ thi mang tính chất quốc tế (ielts, toeic...) họ đều không công bố đề thi với lý do còn có thể dùng lại nhiều lần.
Thực tiễn ở Việt Nam ĐH QGHN đã tổ chức thi thí điểm cho Bộ trong đề thi năng lực chuẩn hóa này cũng đều không công bố đề thi và đáp án vì mục tiêu phải sử dụng lại câu hỏi cho các năm sau.
Tại sao lại phải sử dụng nhiều cho các năm sau? Tôi xin giải thích rằng, quy trình xây dựng đề thi năm nay khác nhiều so với các năm trước. Những năm trước, chúng ta chỉ xây dựng ở một đề chính thức và một đề dự phòng sau đó xáo trộn lên thành sáu mã đề và chỉ dừng lại ở việc mời chuyên gia làm đề.
Năm nay, toàn bộ việc làm đề thi để xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa. Từ ngân hàng đề thi chuẩn hóa sẽ rút ra các đề thi để cho các em thi. Chính vì vậy, nếu như công bố các đề thi đáp án sẽ gần như phải công bố toàn bộ ngân hàng câu hỏi, sẽ rất lãng phí nguồn lực, ngân sách.
Nếu công bố vài chục đề thi lập tức cộng đồng sẽ đoán ra ma trận đề thi, từ đó hệ lụy sẽ làm cho việc học tủ, học lệch tái diễn. Thậm trí, cả việc học thêm sẽ bùng phát nếu như ta công bố đề thi và đáp án.
Mỗi môn công bố hết, khi viết đề thi người làm đã khai thác hầu hết kiến thức, điều đó thực sự lãng phí tài nguyên đề và sẽ rất khó cho các năm sau làm đề. Ta ví như việc cạn kiệt nguồn dữ liệu vậy.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng Bộ GD&ĐT đang “sao chép” phương pháp thi của ĐH Quốc gia sang kỳ thi THPT 2017 tới. Điều này liệu có phù hợp khi số lượng và cách thi của ĐHQG (thi trên máy tính) khác so với kỳ thi này?
TS. Sái Công Hồng: Thi trên máy tính hay trên giấy không khác nhau gì. Chỉ khác về phương thức làm bài, thi trên máy tính quá hiện đại, không lo lắng về bảo mật đề, còn thi trên giấy sẽ vất vả hơn. Bất cứ hoạt động nào về giáo dục cũng cần có thử nhiệm. ĐH Quốc gia đã làm thử nghiệm cho Bộ và đã rất thành công. Thi được trên máy tính thì không lẽ nào không thi được trên giấy.
PV: Cũng có nhiều ý kiến về tính bảo mật, sự giám sát của xã hội. Liệu những lo ngại trên có cơ sở không thưa ông?
TS. Sái Công Hồng: Việc băn khoăn về tính giám sát của dư luận là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng năm nay chúng ta làm đề hoàn toàn khác so với mọi năm, mọi năm chỉ làm theo phương pháp chuyên gia, còn năm nay chúng tôi huy động hàng nghìn giáo viên làm theo những bước nghiêm ngặt. Nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm.
Bước 1, chúng tôi xây dựng ma trận đề thi. Bước 2, viết câu hỏi thô. Bước 3, biên tập và rà soát chọn lọc. Bước 4, thẩm định và bước cuối cùng là thử nghiệm. Thử nghiệm có 2 bước: Thử nghiệm câu hỏi thi và thử nghiệm đề thi.
Đối tượng thẩm định là chính các em học sinh đang học lớp 12 ở các vùng miền trên cả nước. Tính giám sát của xã hội chính là nằm ở việc cho các em làm đề thi.
Hơn nữa, kỳ thi sẽ có sự giám sát chặt chẽ của Công an PA – 83 các tỉnh (Công an Giáo dục – PV), nên dư luận hoàn toàn có thể yên tâm.
PV: Việc không công bố đề thi và đáp án sẽ dẫn đến việc thí sinh nộp đơn phúc khảo gia tăng, Bộ đã có phương án giải quyết vấn đề này?
TS. Sái Công Hồng: Trước hết, những thí sinh học chắc và nắm chắc kiến thức của mình đều có thể biết và áng chừng mình thi được bao nhiêu điểm nên việc làm phúc khảo tôi nghĩ sẽ không nhiều.
Trong trường hợp tăng đột biến thì cũng không có gì lo ngại, việc chấm điểm là qua máy quét. Với tốc độ máy quét hiện nay là chấm bằng 11.000 bài trong 1 tiếng, nên là việc chấm phúc khảo cũng không nặng nề.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Công Luân