Bổ sung trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ về tài nguyên nước
Sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tóm tắt 7 vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã rà soát, bổ sung các nội dung như tại khoản 1 và sửa đổi khoản 2 dự thảo Luật; giữ nội dung khai thác, sử dụng nước trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Đồng thời, không bổ sung nước khoáng, nước nóng thiên nhiên này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định đã được thực hiện ổn định thời gian qua trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước hiện hành. Về thành phần hồ sơ, nội dung, trình tự, thủ tục cấp phép, gia hạn, điều chỉnh giấy phép… sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành.
Liên quan đến quy định về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước: Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 58 quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ: Khuyến khích áp dụng; có lộ trình áp dụng và bắt buộc áp dụng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; bổ sung trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bổ sung cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ có liên quan; trách nhiệm của UBND các cấp.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác hoàn thiện dự thảo luật, tiếp thu giải trình cơ bản các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Đồng thời, các ý kiến cũng tán thành nhiều nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung tại dự thảo Luật.
Liên quan đến quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ tán thành không bổ sung nước khoáng, nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh luật này như các lý do được nêu tại báo cáo giải trình, tiếp thu.
Đối với các nội dung khác, về đăng ký cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định đối với nước ngầm cần cân nhắc quy định chặt chẽ. Phân tích thực trạng nước ngầm nếu khai thác không được kiểm soát sẽ gây ra nhiều hệ lụy trên thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay tại dự thảo luật cần có những quy định rõ, nhằm kiểm soát hiệu quả vấn đề này.
Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định về tổ chức lưu vực sông là điều mới, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không cần quy định vào dự thảo luật. Bởi vì, nội dung này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ theo như quy định Luật Tổ chức Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng phân tích và lưu ý một số nội dung cần tiếp tục rà soát như: Quy định về xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo; điều khoản chuyển tiếp;… để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Vì sao không bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên?
Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu đã tiếp thu 78,4% ý kiến đại biểu Quốc hội, giải trình 26,1% ý kiến đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 7 điều mới, bỏ 4 điều, sửa đổi 75 điều, tăng 3 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Tán thành việc không điều chỉnh nước khoáng và nước nóng thiên nhiên tại dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường lý giải, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao (điều kiện khai thác, cấp quyền khai thác, giá trị khai thác, sử dụng…).
Bên cạnh đó, hiện nay loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản và cho đến nay chưa có vướng mắc, bất cập gì. Do đó, không nên bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật là hoàn toàn phù hợp.
Liên quan đến dữ liệu về quản lý tài nguyên nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là nền tảng cơ bản để các cơ quan quản lý và người dân chọn mô hình sử dụng hợp lý,… Các thông tin dữ liệu phải dựa trên các nghiên cứu khoa học và hiện trạng tài nguyên nước.
Từ việc phân tích hạn chế của cơ sở dữ liệu này hiện nay, ông Cường đề nghị, cần có dữ liệu thống nhất từ Trung ương tới địa phương, tránh phân tán ở các bộ ngành địa phương.
Do đó, luật để đảm bảo tính khả thi cũng cần có quy định cụ thể hơn về cách thức kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước; …
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác nghiên cứu tiếp thu của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Đồng thời, đề nghị rà soát lại các điều khoản quy định chi tiết để luật hóa tối đa trong dự thảo luật tránh tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, hạn chế “xin - cho”;…
Về phạm vi điều chỉnh, thống nhất dự luật này không điều chỉnh nước nóng, nước khoáng thiên nhiên vì tính chất giá trị cao hơn và đã được điều chỉnh ổn định trong Luật khoáng sản, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, sau khi xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nếu thống nhất cao chỉ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 là 1 phương án.
Kết luận nội dung phiên họp, liên quan đến các vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về phạm vi điều chỉnh do đối tượng “nước khoáng, nước nóng” đã được quy định theo pháp luật về khoáng sản và nhiều văn bản của Đảng và nhà nước.
Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định trong triển khai thực hiện hệ thống chính sách pháp luật hiện nay, không quy định nước khoáng, nước nóng vào phạm vi điều chỉnh luật này.
Đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế có liên quan để đảm bảo tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên....