Không dùng ngân sách cấp phát mới tăng vốn cho VEC

Không dùng ngân sách cấp phát mới tăng vốn cho VEC

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Chủ nhật, 25/12/2016 14:45

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lên 72.602 tỷ là đúng quy định, và không dùng vốn cấp phát mới

Liên quan đến một số vấn đề về việc chuyển đổi khoản nợ của VEC thành vốn Nhà nước cấp phát, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lên 72.602 tỷ là đúng quy định, và không sử dụng tới ngân sách được cấp phát mới.

Tài chính - Ngân hàng - Không dùng ngân sách cấp phát mới tăng vốn cho VEC

 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường

Trong báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách hồi tháng 6/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng đề nghị xem lại mô hình tổ chức của VEC, bởi mục tiêu thành lập VEC ban đầu là để đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc theo nguyên tắc tự hạch toán kinh doanh, tự hoàn vốn không bao cấp. Nhưng sau 12 năm hoạt động, ngân sách đã phải bỏ tiền cấp bù, trả nợ thay với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Xin ông cho biết ý kiến của Bộ GTVT?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Mục tiêu của Chính phủ khi thành lập VEC là “Xây dựng một đơn vị nòng cốt để tiếp nhận và huy động các nguồn vốn (trái phiếu, vay nước ngoài,..) để đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia; đặc biệt là các nguồn vốn vay nước ngoài, theo yêu cầu của các nhà tài trợ, cần phải có doanh nghiệp tiếp nhận và trực tiếp quản lý...”.

Việc đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả thu hồi vốn đầu tư thấp, do vậy không thu hút được các nhà đầu tư. Tuy nhiên các dự án này nếu được triển khai sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời lan tỏa hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển. Bởi vậy, cần phải có sự hỗ trợ vốn của Nhà nước về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ kỹ thuật để dự án đảm bảo tính khả thi và thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án tương tự như thông lệ các nước trên thế giới trong chiến lược phát triển đường bộ cao tốc như Nhật Bản (hỗ trợ công ty JHPC) và Hàn Quốc (hỗ trợ công ty KEC).

Về việc tổng kết mô hình hoạt động của VEC, ngày 11/01/2016, Bộ GTVT đã có văn bản số 335/BGTVT-QLDN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết mô hình tổ chức và hoạt động của VEC. Trong đó, Bộ GTVT đã đề nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các cơ chế, chính sách để VEC đủ điều kiện hoạt động đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống đường cao tốc.

Mô hình hoạt động của VEC được đánh giá là hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ và được Chính phủ hỗ trợ nhiều chính sách thuận lợi, Bộ GTVT đánh giá như thế nào về những kết quả mà VEC đã đạt được trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Để đầu tư được mạng đường bộ cao tốc quốc gia cần phải có nguồn vốn rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn: nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp, nguồn vốn ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Tình hình thực tế nêu trên đòi hỏi cần có giải pháp thích hợp để thu hút các nguồn vốn khác trong và ngoài nước để đầu tư đường bộ cao tốc. Nhằm huy động được các nguồn vốn ngoài ngân sách, việc thành lập một doanh nghiệp nhà nước đứng ra vay vốn thương mại hoặc phát hành trái phiếu công trình, làm chủ đầu tư các dự án và tự hoàn vốn là cần thiết và phù hợp với các quy định pháp luật tại thời điểm thành lập.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian thành lập đến nay, nhiều quy định về cơ chế, chính sáchliên quan đến đầu tư xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để đáp ứng yêu cầu mới. Do vậy, đối với VEC cũng cần có những điều chỉnh về cơ chế chính sách phù hợp với quy định pháp luật

Tính đến thời điểm hiện nay, so với tổng số đường cao tốc trên toàn quốc đã hoàn thành đưa vào khai thác 665 km, VEC đã thực hiện 350/665 km đạt 53%, đến năm 2020, VEC sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 550 Km đường bộ cao tốc. Như vậy tính đến nay, có thể khẳng định VEC đã đáp ứng được chiến lược phát triển mạng lưới giao thông quốc gia. Ngoài ra, VEC cũng là doanh nghiệp đầu tiên huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia.

Chính phủ đã thông báo chủ trương cổ phần hóa VEC và các doanh nghiệp liên quan. Xin Bộ trưởng cho biết lộ trình cụ thể ra sao, có những khó khăn nào?”

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa nhằm thu hút nguồn lực các thành phần kinh tế, tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tiếp tục là đơn vị nòng cốt phát triển đường bộ cao tốc quốc gia. Tuy nhiên, với quy mô vốn hiện tại, VEC khó có khả năng thực hiện được mục tiêu trên, do vậy Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn điều lệ cho VEC.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng và giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính quyết định cụ thể việc điều chỉnh và hướng dẫn hạch toán tăng vốn theo quy định. Hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính và VEC để triển khai thực hiện và sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Cuối năm 2015, Thủ tướng đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của VEC lên 72.000 tỷ đồng vào năm 2019, thực tế là chuyển phần ngân sách ứng trước và số tiền vay được bảo lãnh thành vốn điều lệ. Tuy  nhiên, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 6/2016 “tuýt còi” việc chuyển hơn 10.000 tỷ đồng vốn ODA vay lại từ Chính phủ của VEC thành vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước đầu tư vào công ty này có ảnh hưởng tới dự tính tăng vốn  trên?”

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:Về nội dung này, Hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể từng phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết theo quy định pháp luật.

Xin ông cho biết cụ thể lộ trình chuyển nợ thành vốn của VEC ra sao, gặp những vướng mắc nào? Được biết, số vốn ODA đã được Chính phủ cấp phát cho VEC lên tới hơn 50.000 tỷ đồng. 10.000 tỷ đồng Bộ Tài chính xin chuyển thành vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước kể trên chỉ chiếm 1/5 số vốn ODA vay lại từ Chính phủ. Chưa kể một số ý kiến còn cho rằng động thái trên vi phạm Luật Ngân sách và Hiến pháp (khoản 2, điều 55 của Hiến pháp quy định các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán và do luật định).

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Việc ghi tăng vốn điều lệ của VEC từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay ODA đầu tư trực tiếp vào 5 dự án được thực hiện đối với các khoản vốn đã được bố trí dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước hàng năm cho các dự án do Quốc hội quyết định và đã tổng hợp vào quyết toán ngân sách được Quốc hội thông qua. Đây là phần vốn nhà nước đã đầu tư trực tiếp vào dự án, đã hình thành tài sản là con đường và giao cho VEC để quản lý theo hình thức tăng vốn điều lệ, không phải là khoản cấp ngân sách mới.

Theo phương án, dự kiếnvốn điều lệ cho VEC đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng. Trong đó, đến 31/12 hằng năm, VEC báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính về số vốn thực tế giải ngân phần vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án đã được Quốc hội thông qua quyết toán ngân sách hàng năm để làm thủ tục ghi tăng vốn điều lệ cho VEC.

Nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng lãnh đạo Bộ đã nhiều lần khẳng định sẽ bán quyền khai thác 5 tuyến đường cao tốc (gồm các tuyến: Cầu Giẽ – Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai; TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành) mà VEC đã hoàn thành và đang phát triển, thẩm chí có thể bán hết lấy vốn quay vòng dự án khác, đến nay đã có giao dịch nào thành công và có những khó khăn vướng mắc gì?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Hiện nay, VEC đã cơ bản hoàn thành và đang khai thác và thu phí 3 dự án là Cầu Giẽ – Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai; TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Với mục tiêu sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sau cổ phần hóa, VEC tiếp tục phát triển là đơn vị nòng cốt đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia, đồng thời có các giải pháp để tạo nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án mới trong tương lai, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo VEC xây dựng, nghiên cứu các phương án huy động nguồn vốn, các phương án tài chính để có thể phát triển dự án mới. Trong đó, có tính đến phương án chuyển nhượng quyền thu phí một số dự án để tăng nhanh vòng quay của vốn, thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư dự án mới. Hiện nay, một số nhà đầu tư quan tâm đã làm việc với VEC để tiếp cận, nghiên cứu thông tinđể xem xét, quyết định việc chuyển nhượng quyền khai thác các dự án.

Nghi Điền – Thiên Di(ghi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.