Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến và gây tử vong nhiều nhất trên thế giới. Trong đó hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra ung thư phổi. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc lá tăng theo số lượng thuốc lá hút mỗi ngày và số năm hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc. Tuy nhiên đó không phải là cách duy nhất khiến căn bệnh này phát sinh. Có người chưa từng chạm đến điếu thuốc vẫn mắc ung thư phổi vì các yếu tố nguy cơ sau:
Hít phải khói thuốc
Khói thuốc là khói bốc ra từ thuốc lá đang cháy hoặc do người hút thuốc thở ra. Khói thuốc chứa ít nhất 250 loại hóa chất độc hại, bao gồm hơn 50 loại gây ra ung thư. Do đó nó gây ra rất nhiều tác hại đến sức khỏe bao gồm đột quỵ, kích ứng mũi, ung thư phổi, bệnh tim mạch vành, …
Đáng chú ý kể cả khi không hút thuốc nhưng vô tình hít phải khói thuốc cũng có thể gây tác động xấu đến máu và mạch máu. Hơn nữa, nó có thể làm cho các tiểu cầu trong máu của người không hút thuốc trở nên kết dính.
Việc tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian ngắn cũng có thể làm tổn thương các tế bào, làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Vì thế nhiều quốc gia đưa ra luật cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng nhằm bảo vệ cả người hút thuốc và người không hút thuốc khỏi sự nguy hiểm của khói thuốc lá.
Dùng chất bổ sung beta-carotene liều cao
Ngoài khói thuốc, dùng chất bổ sung beta-carotene liều cao là yếu tố nguy cơ đáng ngạc nhiên đối với ung thư phổi, đặc biệt ở những người hút thuốc. Nguy cơ còn cao hơn ở những người hút thuốc sử dụng ít nhất một thức uống có cồn mỗi ngày.
Có người thân bị ung thư phổi
Kết quả một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư phổi tăng gấp 2,7 lần ở những người có cha hoặc mẹ mắc bệnh. Nếu một người trong gia đình bị ung thư phổi do hút thuốc thì các thành viên gia đình cũng phải tiếp xúc với khói thuốc lá. Do đó rất khó để biết nguy cơ ung thư phổi gia tăng là từ tiền sử gia đình hay do tiếp xúc với khói thuốc.
Điều những người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi cần làm là có chế độ sinh hoạt khoa học, tránh xa thuốc lá và các chất độc hại gây bệnh, đồng thời khám tầm soát định kỳ hàng năm để sàng lọc ung thư.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia X, tia gamma hoặc các loại phóng xạ khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Liều lượng phóng xạ càng cao, nguy cơ mắc càng cao. Nguy cơ ung thư phổi sau xạ trị cao hơn ở những bệnh nhân hút thuốc so với những người không hút.
Môi trường ô nhiễm
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, khí radon là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở người không hút thuốc.
Radon là một chất khí phóng xạ xuất phát từ sự phân hủy uranium trong đá và đất. Nó thấm qua mặt đất, rò rỉ vào không khí hoặc nguồn nước. Radon có thể xâm nhập vào nhà thông qua các vết nứt trên sàn, tường hoặc nền móng và mức độ radon có thể tích tụ theo thời gian.
Khí radon gây ra khoảng hơn 20.000 ca tử vong mỗi năm ở Mỹ do mắc phải bệnh ung thư phổi. Ngoài ra nó có thể gây ung thư vú, ung thư thận, ung thư phổi,…Nguy hiểm hơn chúng ta không thể nhìn, nếm hay ngửi được mùi vị của khí radon.
Giải pháp lúc này là cần thực hiện định kỳ các xét nghiệm về nồng độ khí radon trong nhà, đo mức độ radon trong không khí. Từ đó có các biện pháp ứng phó phù hợp nếu nồng độ khí radon vượt quá mức độ cho phép, có thể dẫn tới ung thư.
Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Các nghiên cứu cho thấy thường xuyên tiếp xúc với các chất như Amiăng, Asen, Crom, Niken, Beryllium, Cadmium, Tar, bồ hóng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Ngoài ra, hít nhiều khói dầu diesel, chế độ ăn uống nghèo nàn và lười vận động cũng có thể góp phần vào sự phát triển của căn bệnh chết người này.
Nếu không hút thuốc chúng ta đã loại bỏ được yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với ung thư phổi, bên cạnh đó nên thực hiện các thay đổi về lối sống để giảm nguy cơ nhiều hơn bao gồm:
- Kiểm tra nơi sinh sống xem có khí radon không, tránh xa khói thuốc và tránh tiếp xúc với các chất độc hại.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả. Một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn chủ yếu là trái cây và rau quả có thể giúp chống lại bệnh ung thư phổi ở cả người hút thuốc và người không hút thuốc.
- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, tương đương với 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Minh Hoa (t/h)